Khấm khá nhờ kinh tế vườn rừng

Chủ nhật - 10/09/2023 19:06
Nhờ sự nỗ lực vượt khó, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn từ tay trắng đã vươn lên ổn định đời sống, dần trở nên khấm khá từ các mô hình kinh tế vườn rừng, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi.
Tham quan mô hình kinh tế vườn của nông dân Nông Sơn. Ảnh: N.P

Tham quan mô hình kinh tế vườn của nông dân Nông Sơn. Ảnh: N.P

Đi lên từ tay trắng

Từng nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Quế Trung (nay là thị trấn Trung Phước), nhiều năm trước, ông Võ Bốn được Hội Nông dân địa phương hỗ trợ vay vốn và được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, gia đình ông đầu tư trồng khoảng 15ha cây keo lá tràm, thả bò chăn nuôi trong rừng.

Mỗi năm, ông Bốn thu về từ 150 - 180 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng rừng. Không chỉ làm ăn khấm khá, ông còn tích cực vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo...

Toàn huyện Nông Sơn hiện có 6.132 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”; trong đó cấp huyện 1.449 hộ, cấp tỉnh 205 hộ, cấp trung ương 2 hộ. Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn Quỹ hội nông dân tỉnh ủy thác là 1,5 tỷ đồng; nguồn vốn huyện, xã theo dõi quản lý cho vay hơn 1,5 tỷ đồng cho 29 hộ vay. Các nguồn vốn chủ yếu tập trung vào các mô hình chăn nuôi, thương mại dịch vụ, trồng trọt, nuôi bò sinh sản...

Cũng từ tay trắng, anh Nguyễn Xuân Hiền (ở thị trấn Trung Phước) đã nỗ lực vươn lên làm ăn khấm khá nhờ chăn nuôi, trồng rừng, làm vườn và làm dịch vụ nông nghiệp. Anh Hiền trồng 10ha keo lá tràm, tận dụng đất rừng, anh thả nuôi đàn bò dao động 8-10 con, đồng thời phát triển kinh tế vườn, trồng các loại cây ăn quả như chuối, thanh long ruột đỏ kết hợp chăn nuôi gà, heo...

Mỗi năm, thu nhập từ vườn cây ăn quả, chăn nuôi và từ kinh tế rừng đem lại cho gia đình anh Hiền cả trăm triệu đồng. Anh còn đầu tư máy cày làm đất dịch vụ cho người dân, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Anh Hiền đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học, giải quyết việc làm cho 5 - 7 lao động...

Tạo động lực cho nông dân

Tại xã Quế Lộc, theo ông Đỗ Văn Nhựt - Chủ tịch Hội Nông dân xã, hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, nhiều nông dân đã vượt khó thoát nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. Năm năm qua, Quế Lộc có 965 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp.

Có thể kể đến hộ ông Nguyễn Đình Tiến (thôn Tân Phong) với mô hình vườn ươm cây keo giống và bao tiêu sản phẩm; hộ ông Uông Minh Đông với mô hình gà thả vườn; hộ ông Nguyễn Đình Tiên (thôn Lộc Đông) với mô hình vườn - ao - chuồng; Tổ hợp tác nhang trầm hương của hội viên nông dân Trần Quý Trung, Nguyễn Thành Thông (thôn Lộc Trung); mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Trương Quang Hải (thôn Tân Phong)…

Tại xã Ninh Phước, theo ông Phan Thanh Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã, địa phương hiện có hơn 960 lượt hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Các mô hình chủ yếu gồm mô hình trồng bưởi, trụ, chăn nuôi bò vỗ béo trong và ngoài địa phương.

Nhiều chương trình, mô hình được đầu tư, hỗ trợ như: nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi heo nái sinh sản, trồng cây ăn trái, trồng sen kết hợp nuôi cá... Qua đó, giúp cho nông dân nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới.

Hội Nông dân xã cũng vận động và tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng vốn vay hơn 11 tỷ đồng để phát triển kinh tế vườn, rừng kết hợp chăn nuôi. Nhờ đó, toàn xã đã xây dựng được 17 mô hình kinh tế hiệu quả.

Ông Trần Thiện Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn nhìn nhận, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của huyện đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các hình thức hợp tác tự nguyện của nông dân, tạo sự liên kết giữa “4 nhà”.

“Để phong trào phát triển sâu rộng, các cấp hội sẽ tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đã phát huy hiệu quả như chăn nuôi bò, lúa, đậu xanh giống, dưa hấu, vườn cây ăn quả và phát triển mô hình trồng rau sạch.

Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn; tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Đầu tư các nguồn lực để nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp với địa phương, phát huy các gương điển hình sản xuất giỏi” - ông Thắng chia sẻ.

Tác giả bài viết: TR.NHAN - T.PHƯƠNG

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 19595

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2245705

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15353308