Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Các cấp hội nông dân vào cuộc mạnh mẽ

Chủ nhật - 17/09/2023 22:06
QNO) - Ngày 17/12/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Gần 4 năm qua, các cấp hội nông dân của tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều phần việc liên quan, góp phần mang lại những thành quả lớn.
Những năm qua, các cấp hội nông dân tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật chế biến phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng. Ảnh: PV

Những năm qua, các cấp hội nông dân tích cực hướng dẫn người dân kỹ thuật chế biến phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng. Ảnh: PV

Tích cực tuyên truyền

Ông Nguyễn Út – Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh nhìn nhận, công tác tuyên truyền là công cụ hết sức quan trọng để đưa các chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Những năm qua, HND tỉnh luôn tập trung chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể và hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò là “bà đỡ” trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế theo chuỗi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, vụ hè thu 2023 nông dân xã Cẩm Thanh (Hội An) liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức hữu cơ. Ảnh: PV
Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, vụ hè thu 2023 nông dân xã Cẩm Thanh (Hội An) liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức hữu cơ. Ảnh: PV

Theo ông Út, để làm được điều đó, thời gian qua HND tỉnh đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng và phương pháp tuyên truyền cho cán bộ làm công tác hội. Trong đó, đáng chú ý là các chi hội trưởng, chi hội phó, tổ hội và hội viên nông dân tiêu biểu, những người có uy tín trong cộng đồng.

Hiện nay, HND các cấp của tỉnh có 1.852 báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đây là lực lượng rất quan trọng để chuyển tải những chủ trương, chính sách đến tận người dân thông qua rất nhiều phương pháp như tuyên truyền miệng, sinh hoạt chi - tổ hội, các buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, gặp mặt truyền thống.

Ngoài ra, phát huy hiệu quả các kênh truyền thông của hội như “Diễn đàn các cấp HND”, “Chương trình phát thanh nông dân”, cổng thông tin điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội gồm Zalo, Facebook… để kịp thời chuyển tải đến hội viên nông dân những cơ chế, chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó có Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh.

Nỗ lực hỗ trợ liên kết sản xuất

Song song với công tác tuyên truyền, vận động nông dân và các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh thì những năm qua các cấp HND còn trực tiếp đứng ra ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo nghề nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng - con vật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Những năm qua, nông dân Quảng Nam tích cực xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn để liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao. Ảnh: PV
Những năm qua, nông dân Quảng Nam tích cực xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn để liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lượng cao. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm HND tỉnh mở 100 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, cung ứng 6.000 - 7.000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm và liên kết với các cơ sở sản xuất cung ứng 15.000 cây giống các loại, chủ yếu là những giống cây ăn quả đầu dòng, có tem và mã QR truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, trực tiếp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, giúp cho nông dân an tâm đầu tư sản xuất.

Liên kết sản xuất, nhà nông khá yên tâm về chuyện đầu ra của sản phẩm vì đã có doanh nghiệp lo liệu. Ảnh: PV
Liên kết sản xuất, nhà nông khá yên tâm về chuyện đầu ra của sản phẩm vì đã có doanh nghiệp lo liệu. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Út cho biết, để người dân yên tâm hơn trong sản xuất, HND tỉnh luôn sát cánh cùng với hội viên, nông dân bằng cách trực tiếp xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đáng ghi nhận là, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Công ty phân bón Sông Gianh triển khai liên kết sản xuất lúa thương phẩm ST25 tại xã Tam Dân (Phú Ninh) với diện tích gần 15ha, lúa thương phẩm Hương Bình tại thị trấn Hương An (Quế Sơn) với diện tích xấp xỉ 10ha trong vụ đông xuân 2022 – 2023.

Các mô hình trên được Công ty phân bón Sông Gianh cung cấp lúa giống, phân bón, hỗ trợ máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, cử cán bộ kỹ thuật đến tận ruộng hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại… Trong khi đó, HND tỉnh chịu trách nhiệm khảo sát và chọn các hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình, hợp đồng máy làm đất để gieo sạ đồng loạt và máy gặt đập liên hợp để thu hoạch, hạn chế lúa lẫn tạp.

Nông dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập cao từ mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu với doanh nghiệp. Ảnh: PV
Nông dân xã Duy Châu (Duy Xuyên) có nguồn thu nhập cao từ mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu với doanh nghiệp. Ảnh: PV

Theo ông Nguyễn Út, trong quá trình sản xuất, tại mỗi mô hình, phía Công ty phân bón Sông Gianh đã 7 lần cử cán bộ kỹ thuật tham gia cùng cán bộ HND tỉnh thăm đồng; 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái với giá 45.000 đồng/sào/1 lần phun (gồm cả tiền thuốc và tiền công), giảm 50% chi phí so với sản xuất thông thường.

Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp phối hợp với HND tỉnh thu mua toàn bộ sản lượng lúa của nông dân với giá 9.000 đồng/kg lúa khô và 5.700 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Hầu hết người dân rất phấn khởi khi tham gia mô hình liên kết này.

Thời gian qua, HND tỉnh cũng phối hợp với Công ty phân bón hữu cơ Quế Lâm đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân phường Điện Minh (Điện Bàn) sản xuất 15ha lúa thương phẩm ST25 theo phương pháp sử dụng phân hữu cơ của doanh nghiệp này. Qua 3 vụ canh tác, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nhất là tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn và giúp nhà nông yên tâm về chuyện đầu ra vì được bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa sau thu hoạch.

Doanh nghiệp thu mua sản phẩm bắp nếp giống của nông dân xã Đại Thắng (Đại Lộc) đưa đi tiêu thụ. Ảnh: PV
Doanh nghiệp thu mua sản phẩm bắp nếp giống của nông dân xã Đại Thắng (Đại Lộc) đưa đi tiêu thụ. Ảnh: PV

Ngoài ra, HND tỉnh còn kết nối, hướng dẫn HND cấp huyện và xã ở Phú Ninh, Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên thực hiện rất nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, nếp, ớt, đậu xanh, đậu phụng, bắp… mang lại hiệu quả thiết thực.

“Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh ra đời đã gỡ được rất nhiều nút thắt trong sản xuất nông nghiệp. Mối liên kết “4 nhà” gồm: nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học được thể hiện một cách cụ thể. Người nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn, áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khá yên tâm về chuyện đầu ra của sản phẩm vì đã có doanh nghiệp lo liệu…” (Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch HND tỉnh)
 

Tác giả bài viết: NHÃ PHƯƠNG

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 20665

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2246775

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15354378