NÔNG DÂN HIỆP ĐỨC TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Thứ hai - 07/02/2022 01:24
Trải qua 92 năm thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đánh giá cao, khẳng định vị trí chiến lược và vai trò chủ lực của giai cấp nông dân mà nòng cốt là Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NÔNG DÂN HIỆP ĐỨC TRONG THỜI ĐẠI MỚI

NÔNG DÂN HIỆP ĐỨC TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Nhiều chủ trương, chính sách đổi mới trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để giai cấp nông dân khai thác, sử dụng, phát huy có hiệu quả tiềm năng về lao động, đất đai và các nguồn lực khác trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn được ban hành, có thể kể đến như Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Điểm chung trong quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ chính là “Lấy nông dân làm trung tâm” và người nông dân phải là “chủ thể xây dựng nông thôn mới”; để làm được điều đó Đảng, Nhà nước yêu cầu Hội Nông dân các cấp “phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân”. [1]
Đối với huyện Hiệp Đức, sau 50 năm giải phóng (30/4/1972 - 30/4/2022) và nhất là sau gần 36 năm thành lập và phát triển; Hội Nông dân huyện Hiệp Đức đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển địa phương. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Hội Nông dân cũng luôn phát huy tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong tập hợp giai cấp nông dân, tổ chức các phong trào hoạt động góp phần tham gia xây dựng hệ thống chính trị của địa phương trong sạch vững mạnh. Thời gian qua, bằng sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, các cơ sở Hội đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh. Nhiều phong trào do Hội Nông dân phát động, tổ chức đạt hiệu quả thiết thực tiêu biểu như Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; phong trào nông dân thi đua tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh… Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo khắc phục hậu quả thiên tai; nhiều nông dân tự nguyện nhường đất để xây dựng trường học, nhà trẻ, làm đường giao thông, tự nguyện góp công góp của làm việc thiện; có người vượt khó say mê tìm tòi những thành công trong chế tạo máy nông cụ sản xuất,... Những tấm gương sáng sinh động ở cơ sở đang được nhân lên.
Gần đây nhất, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân huyện Hiệp Đức đã kịp thời xây dựng chương trình thực hiện với quyết tâm “Tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân”. Với sự linh hoạt trong hình thức thực hiện, các cấp hội chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, gắn lý luận với thực tiễn, từng bước làm thay đổi cách nhìn, lối tư duy cũ kĩ tồn tại lâu đời trong nếp nghĩ của người nông dân, giúp họ mạnh dạn tiếp cận tư duy khoa học hiện đại, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên cùng chương trình phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể liên quan trong huyện được đẩy mạnh, thêm vào đó là sự tập trung huy động các nguồn lực, chương trình, dự án, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn lập các dự án vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, phối hợp cùng các ngành tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng được thương hiệu nông sản OCOP đặc trưng riêng của huyện nhà. Công tác phát triển hội viên được chú trọng về số lượng lẫn chất lượng nhờ phương thức tập hợp hội viên, nông dân dưới hình thức nghĩa vụ gắn với quyền lợi cụ thể. Số lượng hội viên tăng theo từng năm. Ban Thường vụ Hội các cấp tích cực đổi mới theo hướng sâu, sát cơ sở, sát người sát việc, chỉ đạo điều hành xuất phát từ thực tiễn nhờ đó đã từng bước đưa công tác hội đến gần với hội viên, nông dân, vị thế của các cấp hội được nâng lên. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn huyện, một số Hội Nông dân cơ sở Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Bình Lâm, Bình Sơn, Quế Thọ đã thành lập “Tổ nông dân tình nguyện” ra quân 8 đợt thu hoạch 25 sào lúa và nông sản giúp gia đình trong khu vực phong tỏa, gia đình cách ly y tế tập trung và tại nhà, gặp khó khăn trong đợt dịch bệnh Covid- 19. Ngoài ra, còn giúp chăn hộ trâu, bò, heo, ong lấy mật trong suốt thời gian các hộ phải cách ly. Cung ứng gần 9.000 cây giống ăn quả, trên 70 tấn phân bón trả chậm cho HVND phát triển kinh tế vườn và sản xuất.
Từ thực tiễn hoạt động phong trào Nông dân và những đóng góp to lớn của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Hiệp Đức; Đảng, Nhà nước và các đoàn thể các cấp, các ngành đã có sự ghi nhận và vinh danh xứng đáng cho nhiều tập thể, cá nhân hội viên nông dân bằng hàng trăm Bằng khen, Giấy khen các loại. Riêng Hội Nông dân huyện Hiệp Đức đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2014; ba năm liền 2019, 2020, 2021 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tặng cờ thi đua xuất sắc. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội Nông dân Tỉnh Quảng Nam cùng sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của các cấp cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các ban ngành địa phương, nhưng hơn hết vẫn nhờ sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân huyện nhà. Đây chính là tiền đề quan trọng  để nhiệm kỳ đến phong trào nông dân Hiệp Đức đạt được những thành tựu to lớn hơn, tạo nền tảng vững chắc cho người nông dân bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hội nhập và phát triển.

Gặp mặt cán bộ Hội qua các thời kỳ
Kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, thời gian đến tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với tổ chức và hoạt động phong trào của Hội như tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, chưa được khống chế, tác động của ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thiên tai diễn biến phức tạp và những hạn chế trong phát triển kinh tế của huyện như: điểm xuất phát nền kinh tế thấp, đời sống Nhân dân còn khó khăn, sản xuất manh mún, thiếu thâm canh, một số mô hình sản xuất có hiệu quả chưa được nhân rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, thị trường nông sản không ổn định và thu nhập từ nông nghiệp còn thấp…đây là những vấn đề mà các cấp Hội trong huyện cần tập trung đổi mới phương thức hoạt động tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần đầu tư nghiên cứu, kịp thời nắm bắt và tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng những quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản và nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến; phấn đấu đến năm 2025, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 56%, lâm nghiệp chiếm 40%, thuỷ sản chiếm 4,0%. 
Thứ hai, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, cơ chế trực tiếp liên quan đến sự phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Hội cũng cần xác định rõ vị trí của tổ chức mình, mối quan hệ giữa Hội và chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế khác trong phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Thể hiện rõ vai trò đại diện cho nông dân để có cách nhìn, cách đánh giá và lựa chọn hợp lý nhất các chương trình, đề tài nghiên cứu phù hợp với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội thông qua tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm… qua đó đánh giá, xem xét, góp ý đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm mang lại hiệu quả thiết thực với nông dân. Để làm được điều này tổ chức Hội và đội ngũ cán bộ Hội nông dân từ huyện đến cơ sở cần phải có tư duy tổng hợp và phân tích đánh giá, phải sâu sát, gắn bó mật thiết với nông dân theo mô hình dân vận khéo của Hội xây dựng bắt đầu triển khai từ năm 2021 “bám sát địa bàn, sát công việc, sát hội viên nông dân”.
Thứ ba, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đổi mới nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa nông sản, đảm bảo năng suất, chất lượng, tăng giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín và đảm bảo an toàn thực phẩm. Giúp người nông dân hiểu biết sâu sắc bằng nỗ lực vươn lên, thay đổi cách nghĩ, cách làm thì mới có thể thoát nghèo bền vững; còn tổ chức Hội hay các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn chỉ mang tính hỗ trợ, kích thích...Cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển một cách toàn diện hơn. Tập trung các nguồn lực hỗ trợ thành lập và nâng cao chất lượng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp tại các thôn, khối phố, tổ hợp tác, hợp tác xã (như tổ hội chăn nuôi; trồng cây ăn quả; trồng rừng gỗ lớn; nuôi cá nước ngọt, ốc bươu đen…). Thông qua hoạt động của chi, tổ Hội nghề nghiệp tập trung vận động hội viên nông dân và Nhân dân  trồng rừng gỗ lớn đạt 6000 ha, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung: chăn nuôi bò 3B, heo hướng nạc, gà thả vườn, ốc bươu đen, lươn…Tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế từ trung ương đến huyện; vốn vay từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Ngân hàng NN- PTNT Hiệp Đức, Bưu điện Liên Việt, Quỹ hỗ trợ Nông dân…để tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế thật sự hiệu quả.
Là một tổ chức chính trị - xã hội quan trọng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của lực lượng nông dân toàn huyện; để cùng với cấp ủy, chính quyền huyện Hiệp Đức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp; cán bộ, hội viên Nông dân từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, đoàn kết hơn nữa, phát huy, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đại diện của giai cấp nông dân nói chung và nông dân huyện nhà nói riêng ra sức vận động các tầng lớp nông dân thực hiện thắng lợi “Phong trào thi đua phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” góp phần xây dựng huyện Hiệp Đức đến năm 2025 cơ bản thành huyện nông thôn mới.


[1] Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Như Lan - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Đức

Nguồn tin: HND huyện Hiệp Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1514213

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12367838