NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI GIỮA VÙNG CÁT

Thứ tư - 05/07/2017 21:11
Trong nhiều năm qua, mỗi khi bước chân đến xã Bình Dương, nếu ai hỏi anh Bảy – Chủ cơ sở chế biến, gia công cá bò thì hầu hết ai cũng biết. Bởi anh Nguyễn Văn Bảy là một trong số ít gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng quê vùng cát thôn 6, Bình Dương lâu nay.
Sân phơi của cơ sở sản xuất cá bò, gia đình anh Nguyễn văn Bảy xã Bình Dương - huyện Thăng Bình

Sân phơi của cơ sở sản xuất cá bò, gia đình anh Nguyễn văn Bảy xã Bình Dương - huyện Thăng Bình

Có dịp tiếp cận, tâm sự thì mới có thể thấu hiểu hết ngọn ngành, thuận lợi, khó khăn và sự vượt khó, vững chải vươn lên của cơ sở này cùng năm tháng ra sao. Bắt chuyện niềm nở với tôi, chị Sơn vợ anh Bảy cho biết “Cơ sở này vợ, chồng tôi gây dựng từ năm 2002 đến nay, nói cho đúng là đã trải qua bao phen sóng gió, chao đảo, tưởng chừng lâm vào đường cùng phá sản nhưng rồi lại may mắn vượt qua trụ lại cho đến hôm ni là mừng lắm rồi”. Quả thật, qua tìm hiểu nhờ “biết mình, biết người”, “trọng tình trọng nghĩa” trong việc làm ăn và biết thận trọng đúc kết kinh nghiệm “lấy ngắn, nuôi dài” mà cơ sở của gia đình anh ngày được mở rộng gấp 2 – 3 lần so với ban đầu mới thành lập. Hiện nay, toàn bộ hệ thống được xây dựng tương đối quy mô với các dãy sân phơi nhà kho, lò sấy, nhà làm việc… trên diện tích 3.000m2, tổng nguồn kinh phí để sở hữu cơ sở này khoảng 1,5 tỷ đồng. Về năng lực hoạt động trung bình mỗi ngày 01 tấn cá bò tươi (theo công đoạn cá tươi cho vào khuôn, phơi khô, đem sấy và cuối cùng là đóng thùng, giao hàng). Mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí anh thu lãi trên 12 triệu đồng, là một nguồn thu nhập không nhỏ ở vùng quê nghèo này.  Nhờ làm ăn “có nghĩa tình, có uy tín” nên cơ sở chế biến gia công của Anh Bảy trở thành như một chi nhánh của công ty TNHH Thuận Huệ, Vũng Tàu, nên việc cung ứng, bao tiêu sản phẩm luôn ổn định. Điều đặc biệt là việc ra đời cơ sở chế biến, gia công cá bò này còn giúp giải quyết trung bình cho hàng trăm lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 3 – 4,5 triệu đồng/ tháng. Đó cũng là cách góp phần giữ chân bà con ngư dân vùng cát ven biển bớt đi việc ly hương để vất vả mưu sinh cuộc sống. Chị Sơn chia sẻ “Tui xuất thân từ con nhà nghèo phải khuya sớm buôn gánh, bán bưng kiếm từng đồng tiền hạt gạo qua ngày nên đã thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi đây, do vậy những người làm cho tui ở đây xem như người một nhà, ruột thịt hết cả”. Đúng vậy, với tấm lòng thương người, đôn hậu và luôn giúp đỡ người khác nên ai ai cũng yêu mến anh, chị. Ngoài việc đầu tư chăm lo phát triển cơ sở chế biến, gia công tại tổ 3, thôn 6, Bình Dương anh còn góp vốn thành lập một điểm chuyên thu mua hải sản cho bà con ngư dân của Thăng Bình và Duy Xuyên. Anh cho biết tuy quy mô không lớn nhưng cũng giải quyết kịp thời nguồn hải sản đánh bắt tại đây và có thêm nguồn thu nhập. Nói về tổng thu nhập của gia đình anh hằng năm anh Bảy chỉ nói nói, cười cười “khó tính lắm anh ơi”, tôi thiết nghĩ rằng thu nhập của anh vẫn đang còn là “ẩn số” có lẽ vì lý do gì đó mà anh chưa muốn nói rõ. Điều nhận thấy đáng mừng là nhờ khối óc, nghị lực, ý chí và bàn tay biết làm giàu ngay chính tại vùng cát ven biển này đã để lại một thành quả không nhỏ sau biết bao công sức, mồ hôi. Một ngôi nhà đỗ mái bằng khang trang và đầy đủ tiện nghi; 4 người con đều học giỏi và đã tạo dựng cơ nghiệp riêng, trong đó có 01 người đang nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ, đó là khối tài sản vô giá của gia đình anh Nguyễn Văn Bảy. Ngoài việc lo sản xuất kinh doanh giỏi gia đình anh còn luôn dành tình thương, trách nhiệm, vật chất để giúp đỡ cho nhiều gia đình nghèo gặp khó khăn, hoạn nạn, tích cực tham gia các chương trình hoạt động nhân đạo từ thiện do địa phương, phát động. Anh Nguyễn Văn Tám – Chủ tịch HND xã Bình Dương ghi nhận “Gia đình anh Bảy là tấm gương sáng trong lao động sản xuất kinh doanh giỏi và cũng hết mình vì phong trào, vì mọi người nên cần được tôn vinh, học tập”. Thật vậy, xét về mặt thành tích, công lao thì gia đình anh đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, từ địa phương đến Trung ương. Với quê hương Thăng Bình gia đình anh được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện Thăng Bình giai đoạn 2012 – 2014, Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Đặc biệt anh vinh dự được cử đi dự Hội nghị tuyên dương CCB toàn quốc năm 2005 và được tặng Bằng khen của BCH TW CCB Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Còn với chị Sơn cũng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hội viên phụ nữ tham gia tích cực các phong trào tại địa phương. Đáng kể nhất là chị được Hội LHPN tỉnh Quảng Nam chọn cử đi dự Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” tại Hà Nội và vinh dự nhận được Bằng khen của BCH TW Hội LHPN Việt Nam.
Có được những thành quả, vinh dự lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước như vậy song anh Bảy vẫn luôn khiêm tốn và chưa bằng lòng với thực tại. Anh mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa về vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để mở rộng quy mô cơ sở chế biến, gia công cá bò này. Đồng thời có thể tiếp nhận giải quyết thêm nhiều lao động cần có việc làm ổn định tại vùng cát nghèo ven biển, vừa chung tay cùng cộng đồng trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xây dựng quê hương Thăng Bình ngày càng phát triển giàu đẹp cùng với Quảng Nam yêu thương./.

Tác giả bài viết: Huỳnh Quới

Nguồn tin: Hội Nông dân huyện Thăng Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 54932

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1521800

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12375425