Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao (hơn 40%), nhất là lao động khu vực nông thôn, miền núi. Nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi Quảng Nam sớm tìm giải pháp nâng chất và lượng nguồn lao động. Đồng thời tăng cường các cơ chế, chính sách đào tạo nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
NGUY CƠ BỊ "BỎ LẠI" PHÍA SAU
Gần một nửa lao động ở Quảng Nam làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản (NLTS), nhưng số chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến nguy cơ bị “bỏ lại” phía sau trong thời đại 4.0.
Năng suất lao động thấp
Quảng Nam là tỉnh có lợi thế về nguồn lao động khi có tới 62,86% dân số trong độ tuổi lao động (năm 2017). Theo số liệu của UBND tỉnh, nhân khẩu trong độ tuổi lao động của tỉnh đến năm 2015 là 932.000 người và dự báo đến năm 2020, con số này là 993.000 người và năm 2025 là hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo của tỉnh ở mức cao, chiếm hơn 45%. Sở LĐ-TB&XH cho biết, đến 9.2018, lao động đã qua đào tạo của tỉnh tăng lên 56 - 57%, đồng nghĩa với còn hơn 40% lao động chưa qua đào tạo và chiếm 60 - 70% số này là lao động ở nông thôn, miền núi. Phần lớn nguồn lao động này chưa có tay nghề, chỉ mới được đào tạo ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của các khu công nghiệp và làng nghề về dệt may, da thuộc, chế biến NLTS, vật liệu xây dựng...
Quảng Nam có sự mất cân đối giữa nguồn lực lao động dồi dào và chất lượng nguồn lao động. Ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong một nghiên cứu phân tích, năng suất đóng góp của lao động vào sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh đã giảm nhanh từ 17% xuống còn hơn 5% (giai đoạn 2011 - 2016), thấp hơn nhiều so với mức đóng góp lao động cả nước (hơn 16%). Số lao động thuộc ngành NLTS (năm 2017) là hơn 428.000 người (48,8%); trong khi đó ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (CN-XD) là 216.000 người (24,6%), dịch vụ (DV) là 234.000 người (28,6%). Theo ông Chín, dù chiếm tới 48% tổng lực lao động của tỉnh song nhóm lao động thuộc lĩnh vực NLTS lại tạo ra năng suất lao động thấp nhất, chỉ tạo ra 13% sản lượng, chỉ đóng góp cho nền kinh tế bằng 1/4 so với mức đóng góp bình quân của tỉnh. Minh chứng là năng suất lao động ở lĩnh vực NLTS đạt 21,2 triệu đồng/lao động, trong khi DV là 91,4 triệu đồng/lao động, CN-XD là 129,3 triệu đồng/lao động...
Chia sẻ về nguyên nhân có hơn 40% lao động của tỉnh chưa qua đào tạo, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH cho rằng, do một phần không nhỏ đối tượng trong độ tuổi lao động đã lớn tuổi, lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khó tìm được việc phù hợp, thu nhập không ổn định. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp khi tuyển dụng đòi hỏi lao động có chất lượng, có tay nghề cao nhưng có tuổi đời dưới 35 tuổi, như vậy lao động lớn tuổi khó đáp ứng được. Thứ đến, một bộ phận lớn người lao động ở nông thôn miền núi là dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, tập quán vùng miền khó thích nghi với tác phong công nghiệp... Đó là những rào cản, khó khăn trong công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề của tỉnh, dù cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động rất nhiều...
Thiếu và yếu
Các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đang lo ngại về sự “chông chênh” cả chất lẫn lượng ở nhóm lao động ngành NLTS. Trước áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu nguồn lao động ở các nhóm ngành kinh tế kỹ thuật không được giải quyết việc làm có nguy cơ sẽ quay lại lĩnh vực NLTS. Chưa kể, có hơn 40% lao động NLTS của tỉnh có nguy cơ bị “bỏ lại” phía sau khi phần lớn (ở nông thôn, miền núi) chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp, là thách thức lớn của nền kinh tế.
Tại nhiều địa phương, thực trạng thiếu và yếu trong nguồn lao động ở lĩnh vực NLTS là thực tế cần lời giải. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên chia sẻ, tính đến 12.2017, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực NLTS của huyện chiếm 25,5% cơ cấu lao động toàn huyện. Lao động chuyển dịch đáng kể qua nhiều lĩnh vực CN-TTCN-TM-DV bởi giá trị từ lĩnh vực NLTS quá thấp, không đủ sức níu kéo lao động trẻ trong độ tuổi. Ông Năm dẫn chứng, ngay cả lĩnh vực đánh bắt thủy sản ở 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Vinh cũng đang thiếu lao động ngư nghiệp nghiêm trọng vì hiệu quả đánh bắt thấp. “Nếu trước đây mỗi ghe thuyền đánh bắt xa bờ phải có tới 20 bạn (lao động) thì nay rất khó kiếm cho đủ, nhiều chủ ghe đã chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, làm thợ hồ hay làm công nhân, mỗi tháng cũng kiếm được 5 - 6 triệu đồng. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi còn thấp khiến người trẻ trong độ tuổi lao động không mặn mà làm nông nghiệp. Lực lượng lao động nông thôn phần lớn là người lớn tuổi, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, vì thế năng suất lao động tạo ra còn thấp” - ông Năm chia sẻ.
Thiếu và yếu về nguồn lực, chất lượng lao động NLTS cũng là thực tế của thị xã Điện Bàn. Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã: “Điện Bàn có khoảng 30% lao động tham gia lĩnh vực NLTS. Sự dịch chuyển lao động sang nhiều nhóm ngành kinh tế kỹ thuật, DV, TM, DL trong xu thế đô thị hóa là tất yếu. Thực tế nhiều vùng, người dân đã chuyển nhượng nhiều diện tích lúa, hoa màu lại cho những người có khả năng sản xuất để tham gia các ngành nghề khác. Sự thiếu hụt lao động ở những thời cao điểm sản xuất đã diễn ra nghiêm trọng, như khi vào mùa xuống giống và thu hoạch lúa, cây màu”.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, con số thống kê có đến 48% lao động tham gia lĩnh vực NLTS (năm 2017) còn chưa chắc chắn, bởi trên thực tế, lĩnh vực NLTS cũng đã và đang thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trẻ có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật để cải tiến sản xuất. “Cần đề cập lực lượng lao động phi kết cấu, lao động tự do. Nhiều lao động trong số này dù trong hộ khẩu còn ở nơi cư trú, hiển nhiên được xếp vào lao động NLTS nhưng thực tế có khi họ lại đi lao động thời vụ ngoài tỉnh. Ở nhiều địa phương, lĩnh vực NLTS thiếu nghiêm trọng lao động trẻ, trong khi lao động lớn tuổi khó tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị” - ông Muộn nói.
GIẢI PHÁP NÀO?
Trước thực trạng nguồn lao động không những yếu về chất lượng mà còn thiếu hụt về số lượng ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản (NLTS), nông nghiệp công nghệ cao, bài toán cấp thiết trong đào tạo, tạo nguồn, nâng chất nguồn lao động được đặt ra. Song đâu là giải pháp tối ưu?
|
Nông dân thời hiện đại cần được đào tạo bài bản để nắm bắt công nghệ tiên tiến. |
Chú trọng đào tạo nghề
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nghề nông nghiệp ở miền núi đối diện với nhiều khó khăn. Nhiều xã nông thôn mới Tây Giang có tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có việc làm thường xuyên khá thấp. Giai đoạn 2016 - 2018, Tây Giang chỉ đào tạo được 150 lao động. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi trên số dân của huyện là hơn 8.000 người/hơn 19.000 người, song chỉ mới 700 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp theo Quyết định 1956. Theo ông Bríu Quân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác lao động, giải quyết việc làm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Quyết định số 71, Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Quyết định số 3577 của UBND tỉnh... Song hiệu quả trong việc nâng chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm vẫn còn thấp. Theo Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của huyện Nam Trà My chiếm 80 - 90%, Tây Giang là 80 - 85%, Phước Sơn là 68%, Bắc Trà My là 78% (tính đến cuối năm 2017). Đây là thách thức của Quảng Nam, nhiệm vụ đặt ra rất lớn, làm sao có hướng, cơ chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo lao động cho nông thôn, miền núi, lao động lĩnh vực NLTS...
Sở LĐ-TB&XH đang đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành của tỉnh trong việc nâng chất nguồn lao động, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm khu vực nông thôn, miền núi như Quyết định 3577, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về Cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cung ứng cho các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, điểm mới của Nghị quyết 12 là lao động miền núi được hỗ trợ tiền ban đầu như tiền mua sắm vật dụng, trang bị cá nhân bên cạnh việc hỗ trợ ăn, ở hằng tháng, hỗ trợ việc làm trước đó. Phụ nữ học nghề có con nhỏ sẽ được hỗ trợ tiền trong suốt quá trình học. Từ cơ chế đặc biệt này, đã có 1.500 lao động miền núi được đào tạo, thu hút vào các doanh nghiệp, chiếm đa số là lao động ở Bắc Trà My và Nam Trà My. Cũng theo ông Nguyễn Thùy, cơ chế đào tạo nghề hiện nay đã thay đổi. Các cơ sở đào tạo nghề phải tự tìm doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng đào tạo, tuyển dụng. Chất lượng đào tạo nghề được đánh giá không chỉ ở hợp đồng, đơn đặt hàng của doanh nghiệp mà còn căn cứ vào quy định tiêu chuẩn đầu ra sau đào tạo. Các trường phải chịu trách nhiệm khi cấp bằng nghề cho học viên.
Theo Sở NN&PTNT, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp từ 2010 đến 2018 là 24.079 người, trong đó lao động nữ là 4.820 người (chiếm 20%). Nhìn chung, kết quả đào tạo giai đoạn 2011 - 2015 so với kế hoạch giao còn thấp, đạt 47% kế hoạch; giai đoạn 2016 - 2020, hiện chỉ đạt hơn 25,33% kế hoạch giao, dự kiến đến năm 2020 khó đạt các mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề giai đoạn 2011 - 2015 hơn 70% kế hoạch, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 80% kế hoạch. Đa số lao động có việc làm sau đào tạo, chủ yếu là tự tạo việc làm là chính hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng mở rộng đầu tư sản xuất và hiệu quả cao hơn. Giai đoạn 2010 - 2018, tổng kinh phí phân bổ cho công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn toàn tỉnh là hơn 20 tỷ đồng. Giai đoạn 2019 - 2020, Sở NN&PTNT đặt ra kế hoạch đào tạo cho khoảng 8.285 người/230 lớp đào tạo nghề với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Theo ông Lê Muộn, để nâng chất đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Sở NN&PTNT tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, chế độ, định mức hỗ trợ thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Sở tiếp tục rà soát, bổ sung các danh mục đào tạo nông nghiệp theo nhu cầu các địa phương và thực tế của thị trường. Giai đoạn 2019 - 2020, Sở NN&PTNT triển khai lồng ghép có hiệu quả chương trình, kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với các nội dung phát triển sản xuất từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Triển khai giới thiệu, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác rà soát, đánh giá hiệu quả sau học nghề của lao động nông thôn.
Giữ chân lao động trẻ
Ngành nông nghiệp thị xã Điện Bàn đã tính đến nhiều giải pháp để giữ chân lao động nông thôn bằng các chính sách đào tạo nghề, tập huấn, hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng liên kết tạo chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm OCOP, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã, mỗi năm, ngành đã đào tạo nghề cho khoảng 300 lao động nông nghiệp, chủ yếu nhóm nghề làm vườn, trồng cây rau an toàn, trồng hoa, sản xuất nông nghiệp hữu cơ... Thị xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất, tăng cường công tác dồn điền đổi thửa, khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị, thu nhập trên cùng một đơn vị sản xuất. Cụ thể, vùng đông thị xã gồm Điện Dương, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc được quy hoạch trồng cây rau an toàn, sản xuất hoa các loại; vùng tây được định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực như sản phẩm gạo hữu cơ, dầu phụng, ớt... Trước tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nông nghiệp trong khâu tổ chức sản xuất lẫn thu hoạch, thị xã đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo tỉa, thu hoạch ở cây lúa lẫn cây màu (hiện đạt 90 - 95%), giảm sự lệ thuộc vào sức người.
Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên đặt ra mục tiêu đào tạo nghề cho 90 lao động nông thôn mỗi năm với các nhóm nghề: trồng tiêu, làm nấm sạch, thâm canh cây sen trên đất lúa chuyển đổi, làm rau an toàn... Song sự thiếu hụt lao động trẻ trong độ tuổi cũng là thực tế Duy Xuyên đang đối diện. Để giữ chân lực lượng lao động trẻ trong độ tuổi, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để đảm bảo thu nhập cho ổn định từ lĩnh vực NLTS. Thực hiện đồng bộ các chính sách tăng tỷ lệ và chất lượng đào tạo lao động nông nghiệp. Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị, triển khai xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn mà OCOP là hướng Duy Xuyên chú trọng. Dù nông nghiệp công nghệ cao được xem là lĩnh vực tiềm năng trong việc tạo việc làm, nâng chất lượng, giữ chân nguồn lao động NLTS, song theo ông Năm, khó khăn, thách thức đi kèm không nhỏ. Đó là, cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh; đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đầy rủi ro nên doanh nghiệp chưa mặn mà; doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tích tụ ruộng đất. Áp lực về nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao rất lớn khi tỷ lệ lao động NLTS chưa qua đào tạo khá cao...
CƠ HỘI TỪ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Nông nghiệp công nghệ cao đang là lựa chọn tối ưu để phát triển. Nhưng để làm được điều này thì cần lực lượng lao động được đào tạo bài bản đồng thời Nhà nước cần đẩy mạnh các cơ chế thúc đẩy.
|
Vùng chuyên canh Bàu Tròn (Đại Lộc) được quy hoạch gần 50ha thuận lợi trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Muộn: Cần đổi mới từ đào tạo nghề
Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức đặt ra trong việc nâng chất lượng nguồn lao động rất lớn. Xu hướng phát triển loại hình nông nghiệp công nghệ cao cũng là một trong những lời giải. Song với lực lượng lao động nông thôn (trừ miền núi) phần đông lớn tuổi, là phụ nữ làm trong lĩnh vực NLTS thì khó có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Quảng Nam trông chờ vào lực lượng lao động trẻ, khỏe, có khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Các nước phát triển đã làm được việc thu hút lao động trẻ vào nông nghiệp, nông thôn, ta cũng phải đi theo hướng này, song giải pháp thì vẫn còn lúng túng. Bởi lẽ, thực tế chỉ khi sản xuất nông nghiệp cho thu nhập tốt, giúp người dân cải thiện cuộc sống thì tự khắc người lao động trẻ sẽ quay về... Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi hệ thống các trường, cơ sở đào tạo nghề cần có sự đổi mới, cải tiến về chiến lược, tư duy đào tạo. Bởi lẽ, có tình trạng kỹ sư nông nghiệp ra trường khi được các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao tiếp nhận phải gửi đi nước ngoài đào tạo lại chuyên ngành nông nghiệp, ngay cả nông dân làm nông nghiệp cũng được doanh nghiệp gửi đi đào tạo thì mới làm được việc...
PGS-TS. Bùi Công Bình (Đại học Đà Nẵng): Cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ
Quảng Nam đang trên đà phát triển công nghiệp, phát triển các nhóm ngành kinh tế kỹ thuật, nguồn lao động tất nhiên cũng chuyển dịch theo hướng này. Song thực tế đặt ra là các nhóm ngành công nghiệp, kinh tế kỹ thuật yêu cầu vốn cao, công nghệ cao và trong tương lai nhu cầu về lao động sẽ giảm dần do sự thay thế bởi công nghệ. Xu hướng phát triển loại hình nông nghiệp công nghệ cao là lời giải trong bối cảnh này. Nông dân trong thời đại cách mạng công nghiệp thì phải lành nghề và đặc biệt là tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Tất nhiên nông nghiệp công nghệ cao cần có chính sách tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi trở nên cấp thiết.