Nông dân hội nhập - Bài 2: Cứu đất...

Thứ ba - 31/07/2018 04:15
Trên vùng đất màu mỡ ở hạ lưu sông Thu Bồn, mỗi ngày người nông dân đau đáu tìm cách để giữ đất của mình… Cứu đất, không chỉ đơn thuần giữ miếng đất không bị trôi ra sông, mà còn để những mảnh ruộng, vườn rau không bị hoang hóa bởi dòng người ly nông…
Tham gia làm du lịch, người nông dân vừa sản xuất, vừa tiếp thị kinh doanh sản phẩm, vừa là hướng dẫn viên bản địa. Ảnh: H.A

Tham gia làm du lịch, người nông dân vừa sản xuất, vừa tiếp thị kinh doanh sản phẩm, vừa là hướng dẫn viên bản địa. Ảnh: H.A

Tiếp cận du lịch

Thị xã Điện Bàn đã có những cuộc khảo sát bước đầu, tiến đến xây dựng vùng du lịch nông nghiệp sinh thái tại Gò Nổi. Đây là kỳ vọng về dự án kết nối với các hình thái du lịch đang phát triển của địa phương này. Những ngôi làng được nhắm đến cho những thử nghiệm đầu tiên của dự án này là các thôn Cẩm Phú 1, Cẩm Phú 2, Phú Bông (xã Điện Phong), Bảo An (xã Điện Quang). Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, định hướng của thị xã trong những năm đến là xây dựng chính sách ưu đãi, bố trí quỹ đất phù hợp để kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân tham gia cùng chính quyền địa phương và người dân đầu tư phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ. Việc chọn xây dựng những ngôi làng ở ngay vùng nông nghiệp lâu đời trở thành “làng du lịch” với các thế mạnh từ nông nghiệp sạch, dự án trồng hoa, chế biến dược liệu, mỹ phẩm…, để sử dụng hiệu quả đất đai của làng.

Tham gia làm du lịch, người nông dân tự mình trang bị kỹ năng tiếp thị lẫn ngoại ngữ. Rồi cũng tự họ kết nối để giải quyết vấn đề của mình ngay trên đồng đất quê hương. Những câu chuyện như vậy, không còn lạ với nông dân các làng du lịch xứ Quảng…

Trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của tỉnh sẽ chọn Điện Bàn làm trung điểm, theo “dòng sông tơ lụa” đang được phác thảo lại. “Trồng dâu là phương thức canh tác tự nhiên tốt nhất, nếu không muốn nói nó là nông nghiệp hữu cơ. Chỉ cần hơi gió có mùi thuốc trừ sâu, cây dâu sẽ chết. Khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm là hoàn toàn đúng đắn ở các vùng đất ven sông, vì cây dâu còn có tác dụng giữ đất rất tốt” - ông Lê Phước Bông, người dân xã Điện Quang nói. Người dân 3 xã Gò Nổi đang mơ tưởng đến ngày cây dâu xanh khắp triền sông; trên làng, người dệt lụa, người đón khách làm du lịch. Dù họ biết, phải còn rất lâu nữa, các dự án này mới thành hiện thực.

Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương) - một cách “cứu đất” của những người nông dân vùng hạ lưu Thu Bồn đã thành công theo cách riêng của mình. Ông Dương Phú Bông, người dân làng Triêm Tây cho biết, nhiều năm qua, những ai bỏ làng thì nay sẽ quay về. Triêm Tây được biết đến như một ngôi làng được “cứu” bởi những người dành cả đời tâm huyết cho câu chuyện làng quê. Và nhìn ra xa hơn, những vùng đất bên kia sông Thu Bồn ven Đô thị cổ Hội An đã tiếp cận du lịch từ khá sớm. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng TP.Hội An nói, làm sao để biến mỗi sản phẩm nông nghiệp trở thành câu chuyện kể để khai thác tính hiếu kỳ của mọi người, để họ biết rằng nghề nông cũng là một sản phẩm văn hóa bản địa rất lớn. “Chính quyền Hội An xác định ngành nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là vệ tinh để phục vụ cho du lịch. Ngay ở thời điểm hiện tại, khi quy hoạch cơ sở lưu trú giãn ra ở những vùng ven đô, cũng là cách để nông thôn Hội An vào guồng phát triển du lịch” - bà Vân chia sẻ.

Bám ruộng vườn

Tiếp chuyện nông dân làm du lịch, bà Nguyễn Thị Vân nói, dù nông dân tại Hội An vẫn chưa thực sự hưởng lợi nhiều từ du lịch, nhưng đây lại là cách hữu hiệu nhất để giữ họ ở lại với mảnh ruộng, khu vườn của mình. “Nhiều năm trở lại đây, các mục tiêu phát triển kinh tế của Hội An hầu như dành cho vùng ven. Cốt yếu để người dân giữ đất, không xé lẻ đất nông nghiệp của mình. Chính những sản phẩm du lịch xây dựng ngay trên mảnh đất của họ, gắn bó với nghề nghiệp của họ, là lực hút để nông dân bám ruộng đồng” - bà Vân nói. Tham gia làm du lịch, người nông dân tự mình trang bị kỹ năng tiếp thị lẫn ngoại ngữ. Rồi cũng tự họ kết nối để giải quyết vấn đề của mình ngay trên đồng đất quê hương. Những câu chuyện như vậy, không còn lạ với nông dân các làng du lịch xứ Quảng… Như câu chuyện lão nông Nguyễn Hoang (gần 70) ở làng rau Trà Quế, trước đây lặn lội mang rau đi tiếp thị ở các siêu thị, để bây giờ cả làng rau đều có địa chỉ tiêu thụ, không phải lo bấp bênh theo thị trường. Ở một góc độ khác, trong thời hội nhập này, đã xuất hiện nhiều nông dân “3 trong 1”, khi vừa sản xuất, vừa tiếp thị kinh doanh sản phẩm, vừa tham gia làm du lịch với vai trò… hướng dẫn viên bản địa.

Làm du lịch là một trong những cách để Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) giữ đất, giữ làng. Ảnh: K.L
Làm du lịch là một trong những cách để Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn) giữ đất, giữ làng. Ảnh: K.L

Câu chuyện nhà nông tiếp cận với du lịch gần như đang trở thành phong trào ở rất nhiều địa phương. Ví như, nông dân làng Đại Bình, xã Quế Trung (Nông Sơn), từ những năm 2014, khi con đường Phường Rạnh vừa thông, đã có những sự chuẩn bị để làm du lịch cộng đồng. Lão nông Nguyễn Quang Soạn, với địa điểm du lịch mang tên “Khu vườn Ông Bảy” ở làng Đại Bình, đã tự kết nối với các tour du lịch ngược nguồn Thu Bồn để có khách. Các loại nông sản trong vườn nhà của người làng Đại Bình cũng nhờ du lịch mà rộng khâu tiêu thụ.

Quảng Nam có 14 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn được định hướng phát triển một cách bài bản theo chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP. Tức là sẽ có hàng nghìn nông dân tham gia guồng quay này. Và cũng sẽ có rất nhiều mảnh ruộng, ngôi vườn thơm lại mùi của đất đồng được cày xới… Nhưng hẳn, con đường này không phải dễ đi.

Chuyện đồng đất chỉ thu được nông sản đã lùi dần, khi trên đường phát triển của mình, ngành “công nghiệp không khói” bắt đầu nhắm đến nông nghiệp. Ngay sau nghị quyết về tam nông của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) ra đời, những rục rịch để đổi thay ở các vùng nông thôn đã bắt đầu. Hẳn nhiên, du lịch thường khởi đi ở vùng thuận tiện về giao thông, hạ tầng và có bản sắc đặc trưng thu hút người khám phá. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nghị quyết về tam nông ra đời năm 2008, ngay năm 2009 làng rau Trà Quế (Hội An) bắt đầu triển khai mạnh mẽ các chương trình du lịch tham quan, trải nghiệm, trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc đầu tiên của Quảng Nam. Kéo theo đó, các làng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ra đời, ngày càng nhiều. Sự thành công của mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp đã được nhìn nhận. Sở VH-TT&DL đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa để tạo nên những sản phẩm khác biệt. Chiến lược về du lịch của Quảng Nam gắn với việc hỗ trợ đầu tư cho các điểm du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Đây là những bước cần đi để phát triển du lịch bền vững trong thời gian đến.

__________
Bài cuối: Khoảng trống cần lấp

Dù những chuyển biến trong đời sống nông nghiệp đã thấy rõ, nhưng con đường nông dân lựa chọn vẫn còn đó nhiều khoảng trống, cần sự đồng hành để khỏa lấp.

LÊ QUÂN

Tác giả bài viết: LÊ QUÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 18170

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2122696

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12976321