Thăng Bình thay đổi tư duy trồng lúa

Thứ hai - 12/06/2023 19:27
Để sản xuất lúa theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Thăng Bình chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, vận động nông dân áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến.
Cánh đồng lúa cho năng suất cao ở huyện Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cánh đồng lúa cho năng suất cao ở huyện Thăng Bình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Liên kết sản xuất

Sở KH-CN đang phối hợp với HTX Nông nghiệp Bình Đào triển khai dự án ứng dụng KH-CN xây dựng liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa giống. Dự án được thực hiện trong 24 tháng (tháng 3/2022 - 2/2024) với 3 vụ sản xuất trên tổng diện tích 30ha.

Tổng kinh phí thực hiện 1,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh đầu tư gần 800 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân và HTX Bình Đào.

Vụ đông xuân 2022 - 2023 (vụ thứ 2 của dự án) triển khai sản xuất lúa giống HT1 và Khang dân 18 trên 10ha ở cánh đồng tổ 6 (thôn Trà Đóa 2, xã Bình Đào) với 80 hộ tham gia.

Năng suất lúa giống đạt hơn 65tạ/ha (vụ đông xuân 2021 - 2022 năng suất lúa toàn huyện đạt 53 tạ/ha), lúa giống đạt chất lượng tốt. Các hộ tham gia dự án cho biết, ngoài thành công về sản lượng, năng suất lúa, còn tích lũy được kinh nghiệm về quy trình sản xuất, kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc, khử lẫn, thu hoạch, đóng gói, bảo quản lúa…

Vụ đông xuân năm 2022 - 2023, huyện Thăng Bình xuống giống hơn 8.545ha lúa, năng suất bình quân đạt 60,52 tạ/ha (cao hơn vụ đông xuân 2021 - 2022 khoảng 7,86 tạ/ha). Vụ hè thu năm 2023, theo kế hoạch, Thăng Bình xuống giống 7.200ha lúa, vận động nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, tưới nước “ướt - khô xen kẽ” để sản xuất bền vững.

Tương tự, tại xã Bình Đào, trong vụ đông xuân 2022 - 2023, Công ty TNHH Mahyco Việt Nam phối hợp với ngành chức năng huyện Thăng Bình trình diễn giống lúa thuần Smart 56 trên 0,5ha đất pha cát tại cánh đồng lúa thôn Phước Long.

Qua đánh giá, giống lúa thuần Smart 56 có thời gian sinh trưởng 105 - 110 ngày, trổ tập trung 5 - 6 ngày, có nhiều ưu điểm vượt trội như giống lúa sinh trưởng khỏe, dễ thâm canh, đẻ nhánh khá, lúa hạt dài màu vàng sáng, gạo ngon cơm, đặc biệt là cho năng suất cao.

Giống lúa này còn khống chế các bệnh đạo ôn, rầy nâu, thối thân, bạc lá, được chính quyền đánh giá cao và dự kiến sẽ nhân rộng ở nhiều địa phương trong thời gian đến.

Còn tại xã Bình Định Bắc, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed - chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên hỗ trợ giống lúa, chí phí phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất 1ha giống lúa thuần TBR97 ở thôn Đồng Dương.

Qua hội thảo đánh giá năng suất, chất lượng do công ty tổ chức mới đây, các ý kiến đều nhìn nhận, mặc dù vụ đông xuân 2022 - 2023 thời tiết bất lợi, rét lạnh kéo dài nhưng giống lúa TBR97 vẫn phát triển tốt, lúa cứng cây không ngã đổ và cho năng suất đạt 64 tạ/ha. Với tiêu chí bền vững, lúa giống dễ thâm canh, hiệu quả cao phù hợp với nhiều cánh đồng sản xuất trên địa bàn huyện.

Phát triển bền vững

Thành công trong sản xuất lúa ở huyện Thăng Bình là nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, sự ứng phó kịp thời của nông dân, HTX trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, qua đó điều tiết mùa vụ hợp lý. Thời gian qua, việc sản xuất lúa trên địa bàn huyện Thăng Bình vận động mạnh theo hướng cơ giới hóa, ứng dụng KH-CN, áp dụng quy trình kỹ thuật bài bản.

Đến nay, người trồng lúa dần quen thuộc với chương trình “một phải, năm giảm”, tức là phải sử dụng giống lúa có chứng nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước tưới, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, nhờ áp dụng “một phải, năm giảm” nên đã tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, giá trị kinh tế tăng.

Với chương trình này, các thành viên HTX xuống giống gieo sạ đồng loạt nên hạn chế các yếu tố gây hại. Áp dụng phương pháp sạ thưa hợp lý giúp tiết kiệm chi phí giống. Giống tốt giúp cây lúa phát triển khỏe ngay từ đầu và sinh trưởng nhanh cho đến lúc thu hoạch.

Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và quy trình sản xuất chặt nên giảm thất thoát. Liên kết tiêu thụ lúa ngay từ đầu vụ do HTX làm đại diện ký kết đã nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nếu duy trì hệ thống canh tác lúa truyền thống, thu nhập của nông dân sẽ không cải thiện mà còn gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường.

Để phát triển lúa bền vững, địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước từ các công trình thủy lợi, đáp ứng tốt nhu cầu canh tác lúa; khuyến cáo nông dân trồng lúa có kế hoạch, sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm.

Huyện đang chỉ đạo các địa phương triển khai quản lý dịch hại trong sản xuất lúa, vận động nông hộ áp dụng các biện pháp sinh học để bảo đảm sản xuất lúa sạch, hữu cơ.

“Để phát triển sản xuất lúa bền vững hướng tới nông nghiệp xanh, một mặt huyện áp dụng đồng bộ các giải pháp để xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững, mặt khác tuyên truyền để người dân nhận thấy tính cấp thiết và áp dụng rộng rãi ở cả 22 xã, thị trấn” - ông Võ Văn Hùng nói.

Tác giả bài viết: Việt Nguyễn

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 24789

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2250899

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15358502