Tiếp sức để nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ sáu - 07/07/2023 04:41
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi huyện Thăng Bình từng bước lớn mạnh, khi xuất hiện ngày càng nhiều điển hình năng động, dám nghĩ dám làm, xây dựng mô hình cho giá trị kinh tế lớn.
Mô hình nuôi tôm trên địa bàn huyện Thăng Bình. Ảnh: VIỆT QUANG

Mô hình nuôi tôm trên địa bàn huyện Thăng Bình. Ảnh: VIỆT QUANG

Xây 8 trại gà với tổng diện tích 400m2, ông Dương Tấn Lợi (thôn Sơn Cẩm Nga, xã Bình Lãnh) đầu tư nuôi đàn gà 10 nghìn con, mỗi năm thu lợi 500 triệu đồng. Ông Lợi nói, muốn đạt hiệu quả kinh tế thì trước hết giống gà nuôi phải kiểm dịch, đạt chất lượng.

Trong chuồng trại của mình, ông Lợi dùng vỏ trấu làm đệm lót sinh học kết hợp với xử lý men vi sinh nên đảm bảo phân gà được phân hủy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa bệnh.

Ông Lợi tuân thủ nghiêm ngặt các bước tiêu độc, khử trùng, nhất là phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực nuôi nên gà nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, bán thương phẩm đúng kế hoạch.

“Nuôi gà không quá khó, cần có chế độ cho ăn phù hợp, chăm sóc tốt và ngừa bệnh là gà lớn nhanh. Về đầu ra, cần liên kết để tiêu thụ ổn định” - ông Lợi nói.

Cũng như ông Lợi, trên địa bàn huyện Thăng Bình còn có nhiều mô hình chăn nuôi được nông dân áp dụng thành công. Chỉ với chăn nuôi bò và trồng keo lá tràm, ông Bùi Văn Hồng (thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh) thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

Mô hình sản xuất lúa thương phẩm hữu cơ của ông Nguyễn Tấn Chiến (thôn Quý Phước, xã Bình Quý), trồng hoa công nghệ cao của ông Trương Công Tiền (xã Bình Phục) hay nuôi cá nước ngọt của ông Võ Văn Hiền (xã Bình Giang) thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, với sự trợ giúp của hội nông dân các cấp, nông dân Thăng Bình tiếp cận chính sách, tìm hiểu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất kinh doanh sản phẩm theo hướng hàng hóa.

Từ sự nhạy bén của nông dân, hộ sản xuất, các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn trên địa bàn ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường như nước mắm Cửa Khe (Bình Dương), nếp Hương Lân, yến sào (Bình Đào)…

Ông Lê Đình Thành - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình cho biết, hội phối hợp với UBND huyện tổ chức các hội chợ, triễn lãm, kết nối cung cầu, giao thương để giới thiệu, quảng bá, trưng bày, chào bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời tạo mọi điều kiện để hội viên có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ hỗ trợ nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết khép kín trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Với sự tích cực vào cuộc của các cấp hội và tinh thần dám nghĩ dám làm của hội viên, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Thăng Bình ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là góp phần thúc đẩy thực hiện đạt kết quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: VIỆT QUANG

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 24576

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2250686

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15358289