Ứng dụng KH-CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, miền núi: Cần nhân rộng các mô hình

Thứ hai - 12/06/2023 19:13
Việc đẩy mạnh ứng dụng thành quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, chú trọng nhân rộng các mô hình chuyển giao, ứng dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi là nhiệm vụ cấp bách của ngành KH-CN hiện nay.
Mô hình phát triển đàn bò thịt F2 BBB tại Hiệp Đức được xem là hướng đi triển vọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Mô hình phát triển đàn bò thịt F2 BBB tại Hiệp Đức được xem là hướng đi triển vọng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nhiều cơ chế, chính sách

Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở KH-CN cho hay, từ năm 2016 đến nay, nhiều nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh được triển khai thực hiện, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài các dự án, nội dung hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của tỉnh, Sở KH-CN còn tranh thủ nguồn lực từ trung ương.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay đã triển khai hơn 40 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh. Qua thực tiễn, ngành đã đạt được một số kết quả nổi bật như: xây dựng được quy trình nhân giống nuôi cấy mô (in-vitro) cây sâm Ngọc Linh; nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn, hiệu quả của viên nang mềm sâm Ngọc Linh; thuần chủng được nguồn gen heo cỏ và gà tre…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, việc chậm nhân rộng mô hình vào thực tiễn cũng là tồn tại lớn hiện nay. Thời gian tới, Sở KH-CN cần tăng cường hợp tác với các bộ ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống, nhân rộng các mô hình trong thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết HĐND tỉnh đã sửa đổi, bổ sung có còn phù hợp không, cần tiếp tục rà soát, kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh bổ sung, tạo đà cho sự phát triển...

Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh đề xuất nhiều dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số” của Bộ KH-CN.

Năm 2019, Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 02 quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025.

Năm 2022, Nghị quyết 02 được sửa đổi, bổ sung thành Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND tỉnh. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 42/2021 quy định mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh…

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02, 01 của HĐND tỉnh, Quảng Nam đã có 5 dự án và 1 phương án được triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và phục vụ xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền hơn 9,9 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hơn 4,2 tỷ đồng. Bốn dự án đã được hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện, các dự án ứng dụng chuyển giao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.

Khắc phục tồn tại, khó khăn

Sở KH-CN vừa tổ chức tọa đàm “Ứng dụng tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Theo đánh giá chung, so với trước, việc chuyển giao, ứng dụng thành quả các đề tài/dự án KH-CN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có phần thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Đình Vương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh đã cố gắng có nhiều đề tài, dự án chuyển giao ứng dụng các mô hình vào thực tiễn. Đồng thời chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các giống cây trồng, các loại cây trồng đặc sản bản địa, các nhiệm vụ bảo tồn gen, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, các hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN từng bước được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điều đó bước đầu góp phần thúc đẩy sản xuất hiệu quả và bền vững, tăng năng suất, chất lượng và sự cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Nhiều kết quả từ nghiên cứu, chuyển giao đã được ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn... Song, theo các nhà quản lý, bên cạnh thành quả trên thì tồn tại, khó khăn cũng không ít.

Ông Nguyễn Đình Vương cho rằng, nguồn lực gồm nhân lực, vốn, hạ tầng phát triển công nghệ gồm công nghệ cao, công nghệ số còn khó khăn, thiếu và yếu. Các nhiệm vụ chiến lược phát triển KH-CN về đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, ứng dụng KHCN vào sản xuất, một số nhiệm vụ chưa được quan tâm, đầu tư...

Ông Nguyễn Phi Thạnh nhìn nhận, một số cơ chế, chính sách hướng dẫn tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN nói chung và ứng dụng, chuyển giao đến nay không còn phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung, thay thế. Việc nhân rộng, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào đời sống và sản xuất chưa được kịp thời.

Sự gắn kết giữa công tác nghiên cứu với công tác thực nghiệm, nhân rộng mô hình còn chưa chặt chẽ. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản còn hạn chế; nghiên cứu phát triển giống cây trồng, con vật nuôi chủ lực chưa có sự đột phá lớn để nâng cao giá trị sản phẩm theo hướng hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Tác giả bài viết: Hoàng Liên

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 19230

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2245340

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15352943