Tạo mọi điều kiện cho kinh tế hợp tác ở Quảng Nam phát triển

Thứ ba - 13/08/2024 19:12
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh như vậy trong chuyến kiểm tra thực tế, làm việc với HTX Duy Sơn và HTX Nông nghiệp Xanh Duy Oanh thuộc huyện Duy Xuyên vào cuối tuần qua.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tham quan cơ sở liên kết dệt vải của HTX Duy Sơn. Ảnh: PV

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tham quan cơ sở liên kết dệt vải của HTX Duy Sơn. Ảnh: PV

Vượt khó phát triển

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc HTX Duy Sơn cho biết, những năm qua HTX phối hợp với xã Duy Sơn chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân địa phương phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, tổng diện tích HTX đảm nhận làm dịch vụ tưới tiêu là 557ha. Năng suất lúa bình quân trên địa bàn xã đạt khoảng 60 tạ/ha/vụ.

Đáng chú ý, mỗi vụ HTX liên kết với Công ty Giống cây trồng Quảng Bình tổ chức cho nông dân sản xuất 60ha lúa giống hàng hóa, qua đó giúp nhà nông tăng thêm 20 - 30% thu nhập so với làm lúa thường.

Về ngành điện, hiện nhà máy thủy điện của HTX có tổng công suất lắp máy là 1,4MW với 3 tổ máy, được vận hành xoay tua cho phù hợp với điều kiện thời tiết. HTX đang quản lý, vận hành đường dây trung áp 22kV với chiều dài 15km và 36,5km đường dây hạ áp, thông qua 20 trạm biến áp phụ tải với tổng công suất là 5.570kVA để cấp điện cho 3.850 hộ thành viên và khách hàng.

Ngoài ra, HTX Duy Sơn có hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương thông qua bể lọc bậc thang và đường ống dẫn dài hơn 10km đến các khu dân cư. Tổng số hộ đang sử dụng nước sinh hoạt do HTX cung ứng là 1.029 hộ, lượng nước tiêu thụ hằng năm khoảng 160 nghìn mét khối...

Nhờ tập trung mọi nỗ lực vượt qua khó khăn, năm 2023 tổng doanh thu của HTX Duy Sơn đạt hơn 24 tỷ đồng (tăng gần 4 tỷ đồng so với năm 2021) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 881 triệu đồng (tăng 290 triệu đồng so với năm 2021).

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh cho hay, mặc dù mới thành lập nhưng thời gian qua các sản phẩm của đơn vị được nhiều người biết đến như bột ngũ cốc, bột gạo lứt, trà gạo lứt, thanh gạo lứt hạt & rong biển, hạt sen khô, hạt sen tươi, trà tâm sen…

“Thời gian qua, HTX đã liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương sản xuất lúa, mè, đậu, sen… theo hướng an toàn nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho việc chế biến các loại sản phẩm. Đặc biệt, trong năm 2024 HTX liên kết với nông dân nhân rộng diện tích canh tác giống lúa gạo lứt đỏ và đã được Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam cấp mã số vùng trồng” - bà Mỹ nói.

Cần tiếp sức

Ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng, khi Nhà nước chuyển đổi mô hình kinh tế từ quản lý, tổ chức sản xuất tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giai đoạn mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế thì đa số HTX chỉ hoạt động mang tính tồn tại, rất khó phát triển.

b.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và đoàn công tác thăm khu vực sản xuất của HTX Nông nghiệp Xanh Duy Oanh. Ảnh: PV

“Tuy Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp nên đa số HTX kiểu cũ khi chuyển đổi sang làm dịch vụ nông nghiệp thì thiếu vốn đối ứng, hiệu quả trong sản xuất không cao. Từ đó, phần lớn HTX không mặn mà lập các dự án đầu tư để hưởng ưu đãi của nhà nước, dẫn đến chậm phát triển” - ông Tấn nói.

Ông Nguyễn Văn Tấn kiến nghị HĐND và UBND tỉnh xem xét cho điều chỉnh tăng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Lý do là sử dụng đơn giá hiện nay (ban hành ngày 12/10/2021) là thấp so với mặt bằng chung của xã hội, trong lúc chi phí đầu vào đã tăng cao như giá nhân công, giá mua điện và các loại vật tư khác… nên các HTX làm dịch vụ thủy lợi cho nông dân gặp nhiều khó khăn về tài chính.

HTX cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp kênh dẫn để đưa nước Phú Ninh về tưới cho gần 100ha lúa ở cánh đồng Cả; hoặc hỗ trợ kinh phí cho huyện Duy Xuyên đầu tư dự án để bơm đưa nước từ sông Cầu Chìm lên tưới cho đồng Cả. Ngoài ra, HĐND và UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu thu hút cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc ở HTX giai đoạn 2021 – 2025...

Bà Phạm Thị Duy Mỹ cho rằng, do HTX mới thành lập nên còn rất thiếu và yếu trong kỹ năng quản lý, điều hành. Nguồn vốn hoạt động còn quá ít, HTX đang vay vốn từ ngân hàng thương mại nên lãi suất rất cao. Hiện nay, HTX chưa tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ và các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

Do cơ sở sản xuất còn chật hẹp, vị trí nhà xưởng đang nằm trên quy hoạch đất ở nên mục đích sử dụng đất chưa đúng với đất sản xuất - kinh doanh theo quy định. Vì vậy, mong các cấp lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện, xem xét bố trí cho HTX thuê đất để phục vụ sản xuất - kinh doanh và xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương.

“HTX cũng mong các sở, ban ngành của tỉnh và huyện Duy Xuyên tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để HTX thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…” - bà Mỹ nói.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của 2 HTX nêu trên. Đồng thời ghi nhận những nội dung đề xuất và yêu cầu các sở ban ngành, chính quyền huyện Duy Xuyên quan tâm giải quyết một cách phù hợp.

“Kinh tế tập thể là xu thế tất yếu của sản xuất hàng hóa trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các HTX cần tiếp tục nỗ lực tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh liên doanh - liên kết, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, sát thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển mạnh, nhất là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn và đất đai...”.


Tác giả bài viết: Nhã Phương

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 191


Hôm nayHôm nay : 21620

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 314564

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 18495325