100ha keo bị thiêu rụi, dân Quảng Nam ôm tiền tỉ bỗng chốc trắng tay
Thứ hai - 06/05/2024 17:11
Ngọn lửa bùng phát dữ dội kéo dài hơn 17 giờ đồng hồ, thiêu rụi 100ha keo lá tràm ngay trước vụ thu hoạch, khiến nhiều nông dân Quảng Nam rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.
100ha keo lá tràm trị giá nhiều tỉ đồng của nông dân Quảng Nam bị thiêu rụi hôm 21.4. Ảnh: Minh Tùng.
100ha keo bị thiêu rụi
Trưa 5.5, dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa, ông Ngô Minh Châu (ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cùng nhiều nhân công vẫn cặm cụi cưa hạ những thân keo cao lớn bị cháy nham nhở, với hy vọng vớt vát củi khô còn sót lại sau vụ cháy rừng quy mô lớn hơn 10 ngày trước.
“Rạng sáng 21.4, nhận tin báo rừng keo lá tràm ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc đang cháy lớn nên vợ chồng tôi hối hả vượt hơn 10km đến rừng keo dập lửa. Tại đây, chúng tôi bủn rủn chân tay khi chứng kiến biển lửa bao trùm cả cánh rừng sản xuất rộng 30ha của gia đình.
Mọi nỗ lực dập lửa đều vô vọng vì rừng cách xa khu dân cư, thiếu nước và dụng cụ chữa cháy. Sau chừng 17 giờ đồng hồ, nhờ cơn mưa dông và sự hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm cùng người dân, đám cháy mới cơ bản được khống chế" - ông Châu bàng hoàng nhớ lại.
Cánh rừng này, ông Châu dự kiến tháng 6 sẽ thu hoạch, thu về 2,1 tỉ đồng (trung bình 1ha bán được 70 triệu đồng). Nào ngờ, trận hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ vốn liếng, mồ hôi công sức mà gia đình bỏ ra ròng rã suốt 5 năm qua.
Chính quyền sẽ có phương án hỗ trợ thiệt hại
Chung cảnh ngộ như ông Châu, anh Phạm Hoài Ninh (ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) có 20ha keo trồng cũng bị ngọn lửa thiêu rụi, ngay trước khi thu hoạch vỏn vẹn 10 ngày.
Theo anh Ninh, 20ha cây keo đã được thương lái hỏi mua với giá 1,1 tỉ đồng, nhưng giờ cây bị cháy nên họ không mua nữa. Trong khi đó, khoản tiền vay, mượn cả tỉ đồng để đầu tư rừng keo này sắp đến hạn thanh toán, gia đình anh như đang “ngồi trên đống lửa” vì không biết xoay xở đâu ra tiền để trả nợ.
Lãnh đạo UBND xã Đại Quang cho hay, chưa có số liệu cụ thể nhưng ước tính khoảng 100ha rừng keo của người dân đã bị cháy, với hơn 10 hộ dân bị thiệt hại. Hộ ít nhất 4ha, còn hộ nhiều lên đến 30ha. Hiện người dân đang thuê nhân công tận thu để đi bán củi khô gỡ gạc lại vốn, đầu tư lại lứa keo mới.
“1ha keo tươi đến vụ thu hoạch sẽ thu về 70 triệu đồng, nhưng bán lấy củi thì chỉ thu về chừng 15 triệu đồng. Sau khi trả tiền nhân công và chi phí vận chuyển, cũng chẳng còn là bao. Vụ này coi như công cốc. Đến giờ vẫn không rõ nguyên nhân vụ cháy, chỉ biết ngọn lửa xuất phát từ bìa rừng cháy lên" - ông Châu than thở.
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, đơn vị đang chờ kiểm lâm thống kê chính xác diện tích rừng bị cháy và tìm nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Sau đó, sẽ báo cáo UBND huyện để có phương án hỗ trợ bà con.
Về phía tỉnh Quảng Nam, mới đây cũng đã ban hành công văn yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương và các chủ rừng chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt… trên địa bàn tỉnh.