Bằng mọi cách phải giảm nghèo

Thứ sáu - 20/11/2020 01:34
“Nghèo là giặc, giặc nghèo cực kỳ nguy hiểm, nên bằng mọi cách phải diệt giặc nghèo” là quyết tâm mà Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt ra tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020, diễn ra vào hôm qua 19.11.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: D.L

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: D.L

Dịp này, có 68 tập thể, 9 cá nhân và 31 hộ gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Tỷ lệ nghèo vẫn còn cao

Tại hội nghị, những con số đưa ra cho thấy sự tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo thời gian qua của tỉnh là rất lớn. Tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên hơn 12.370 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đã được phân bổ cho các ngành và địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hàng chục nghìn hộ nghèo, lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ học nghề, đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ làm nhà... Con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí.

Các chính sách đặc thù của tỉnh theo các chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã tập trung trên các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tín dụng, dạy nghề, xuất khẩu lao động, cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục... Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 6,06% (bình quân giảm 1,71%/năm). Trong đó, khu vực đồng bằng còn 8.201 hộ nghèo (tỷ lệ 2,42%, bình quân giảm 0,93%/năm); khu vực miền núi còn 17.449 hộ nghèo (tỷ lệ 20,85%, bình quân giảm 5%/năm). Tỷ lệ này dù đạt được mục tiêu, nhưng vẫn còn cao; đặc biệt là ở khu vực miền núi đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc tác động giảm nghèo gặp không ít thách thức.

Quyết liệt giảm nghèo

Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng biểu dương tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của toàn tỉnh trong giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra khiến công cuộc giảm nghèo thời gian tới gặp nhiều khó khăn, đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo, xác định trước mắt phải đặt quyết tâm cao, xác định công cuộc giảm nghèo còn nhiều gian nan để vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.

“Mỗi cấp ủy đảng, chính quyền và những người làm công tác giảm nghèo cần phải suy nghĩ vì sao đầu tư cho công cuộc giảm nghèo nhiều như vậy nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Trước mắt phải giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ, bởi nó có sự tác động mạnh và là nguyên nhân tái nghèo, người nghèo gặp khó khăn trong thoát nghèo khi nhà cửa, tài sản bị thiệt hại nặng nề. Đã rõ nguyên nhân thì phải bàn bạc để tìm cho được giải pháp hiệu quả nhất giúp người dân thoát nghèo bền vững” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Nghèo là giặc, giặc nghèo cực kỳ nguy hiểm, nên bằng mọi cách phải diệt giặc nghèo”. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không thể tự chấp nhận cái nghèo kéo dài đeo bám một bộ phận người dân của tỉnh. Vì thế, mỗi người làm công tác giảm nghèo phải trăn trở, tâm huyết với nhiệm vụ giảm nghèo, sâu sát với đời sống hộ nghèo, cùng kề vai sát cánh để có cách hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả nhất. Trong giai đoạn tới, đồng chí Lê Trí Thanh yêu cầu cần tập trung cho nhiệm vụ tuyên truyền, phải kiên trì, đổi mới phương pháp tuyên truyền đến cơ sở bằng người thật, việc thật, mô hình thật mới có sức động viên, thuyết phục. Cái nghèo ở khu vực miền núi là trăn trở lớn nhất của lãnh đạo tỉnh, nên những giải pháp phát triển miền núi đều được bàn đến. Trong đó các huyện miền núi tập trung vào nhiệm vụ đã được Tỉnh ủy xác định tại các Nghị quyết 02, Nghị quyết 05. Đầu tư vào miền núi phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sắp xếp dân cư gắn với cải thiện sinh kế, phòng chống thiên tai.

Đối với mô hình giảm nghèo, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, phải nhân rộng các mô hình do nhân dân làm chủ; thực hiện mô hình có sự tham gia, liên kết với doanh nghiệp, có đầu vào, đầu ra gắn với thị trường thì mới hiệu quả. Bên cạnh sự hỗ trợ, tác động từ chính sách thì sự quyết tâm, đoàn kết cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của mỗi hộ nghèo là hết sức cần thiết.

Nguồn tin: QNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 70136

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1537004

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12390629