CỐT LỖI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ SỰ VẬN DỤNG ĐẢNG TA TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

Thứ năm - 05/12/2019 14:59
Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Sinh ra trên mảnh đất hình chữ S, với phần lớn dân số chủ yếu sống bằng nông nghiệp nên vấn đề nông nghiệp và phát triển nông nghiệp được Người quan tâm từ rất sớm. Người đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong thư gửi “Điền chủ nông gia Việt Nam” đăng trên Báo Cứu Quốc số 229, ngày 1 tháng 5 năm 1946, Người khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc, trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”1. Người cho rằng cần phải phát triển nền nông nghiệp toàn diện, là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, đồng thời, tạo điều kiện cho công nghiệp nước nhà phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ảnh Iternet)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Ảnh Iternet)

Sau Cách mạng Tháng tám 1945, để khắc phục những khó khăn của đất nước khi mới giành được chính quyền, Người đưa ra nhiều sách lược và chiến lược để khắc phục và giải quyết nạn giặc dốt, giặc ngoại xâm và nội phản, giặc đói. Trong đó, để giải quyết nạn giặc đói, Người đưa ra nhiều giải pháp như: Tất đất, tất vàng; không một tất đất bỏ hoang; đưa cán bộ, chiến sĩ về các địa phương “dẫn thủy nhập điền” để phát triển nông nghiệp; Báo Cứu Quốc số 53, ngày 28 tháng 9 năm 1945 đăng bài “Nhường cơm sẻ áo”, Người viết: “Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi phải chết đói”2. Theo Người, trước hết chúng ta phải làm dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.
Khi bàn về vị trí, vai trò của nông nghiệp trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác, Người ví công nghiệp và nông nghiệp như hai chân của con người, người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế, “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của con người, hai chân có mạnh thì đi mới vững chắc”3. Đồng thời, Người cũng phê phán sự phát triển không đồng đều giữa các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương nghiệp, Văn hóa, Giáo dục…với nhau và trong mỗi ngành cần phải có sự phát triển cân đối. Do đó, sự phát triển của nông nghiệp phải đặt trong mối quan hệ khăng khít và tác động qua lại với phát triển công nghiệp và thương nghiệp.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, trước hết phải là một nền nông nghiệp có ngành trồng trọt phát triển mà đầu tiên là phải chú ý trồng cây lương thực, bởi vì, “nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực”. Trong các cây lương thực, Người xác định, cây lúa là chủ lực, sau đó trồng các loại cây hoa màu như: Ngô, khoai, sắn để phục vụ chăn nuôi; “Sản xuất phải toàn diện, sản xuất thóc là chính, đồng thời phải coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi thả cá và nghề phụ”4. Người nhắc nhở: “Trung ương thường nói nông nghiệp phải toàn diện. Mình không những cốt gạo, ngô, khoai, sắn, bông mà còn cốt các thứ khác nữa. Cho nên phải toàn diện. Tăng diện tích mà không tăng sản lượng là vô ích, mất công. Nhưng tăng sản lượng cũng phải toàn diện. Lúa là chính, nhưng ngô, khoai, sắn cũng phải có, cũng phải chú trọng. Nếu chỉ chú trọng lúa mà không chăm nom ngô, khoai, sắn cũng không được. Hoặc chỉ chăm về cây lương thực mà không chăm về cây công nghiệp cũng là khuyết điểm”5.
Sự phát triển toàn diện của nông nghiệp được Người ví như sự vận động của “guồng máy”, “Trong một công xưởng, có nhiều loại máy móc hình dạng khác nhau và công dụng khác nhau. Những máy móc khác nhau ấy phải bố trí và kết hợp thật ăn khớp với nhau thì sản xuất mới tốt” và nông nghiệp cũng có “guồng máy” của nó. Nghĩa là “từ lúc chọn giống đến ngày đưa thóc vào kho, mọi công việc phải ăn khớp, nhịp nhàng với nhau, thì kết quả mới tăng”6.
Qua các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp có thể khẳng định rằng một nền nông nghiệp toàn diện phải là nền nông nghiệp phát triển chứ không phải là một nền kinh tế thuần nông, không phải theo lối manh mún, tự cấp, tự túc, đó là một nông nghiệp bền vững hiện đại với sự phong phú về ngành, nghề, đa dạng hóa về sản phẩm có cơ cấu kinh tế nội bộ ngành hợp lý, cân đối, hài hòa, bổ sung cho nhau cùng phát triển manh mẽ, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Vấn đề nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986), Đảng ta khẳng định: Phải đưa nông nghiệp tiến một bước theo hướng sản xuất lớn, nhằm yêu cầu chủ yếu là tăng nhanh khối lượng và tỷ suất hàng hóa nông sản. Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 Khóa X, ngày 05-8-2008, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục chủ trương phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn và đã nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới”15.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương phát huy lợi thế của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu… Đồng thời “đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”7.
Gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập trên cơ sở phát huy lợi thế, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn, kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.246.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.33.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.469.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.199.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.255.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.122.
7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 92.


Tác giả bài viết: Ths. Lê Thị Thu Thảo (Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 31


Hôm nayHôm nay : 15644

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2120170

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12973795