Cơ hội mới cho dâu tằm

Thứ năm - 05/07/2018 15:03
Một chuỗi hoạt động nghiên cứu, phát triển hứa hẹn đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm dâu tằm tơ của xứ Quảng đang được các nhà đầu tư của Hoa Kỳ xúc tiến thực hiện.
Đại biểu trao đổi bên lề cuộc họp xúc tiến Dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao tổ chức hôm qua 4.7.Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Đại biểu trao đổi bên lề cuộc họp xúc tiến Dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao tổ chức hôm qua 4.7.Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao tại xã Đại Hiệp (Đại Lộc) đang được triển khai các hạng mục để nhanh chóng đi vào hoạt động. Đây là dự án do Công ty Kraig Biocraft Laboratories (KBL) - chuyên về công nghệ sinh học của Hoa Kỳ làm chủ đầu tư với số vốn hơn 50 triệu đô la Mỹ.

Ứng dụng công nghệ cao

Ông Jon Rice - Giám đốc hoạt động của Công ty KBL cho biết, Quảng Nam được lựa chọn là địa phương đầu tiên trên thế giới để KBL thực hiện các hoạt động đầu tư của mình trên lĩnh vực sản xuất tơ tằm công nghệ cao.

“Chúng tôi chọn Quảng Nam vì rất nhiều lý do. Đầu tiên đây là địa phương có truyền thống lâu đời về trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Chúng tôi được biết hiện nay, chính quyền tỉnh rất mong muốn phục hồi nghề này tại các địa phương dọc theo sông Thu Bồn - Vu Gia để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường bảo vệ đất đang bị sạt lở ven sông đồng thời kết hợp khai thác du lịch để nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, các thông số khí hậu, thổ nhưỡng tương thích để giống tằm của chúng tôi phát triển lại phù hợp với Quảng Nam. Các nguồn lực khác như hạ tầng, con người… đều đã đảm bảo để chúng tôi có thể tiến hành dự án” - ông Jon Rice chia sẻ.

Trong quá trình triển khai dự án, Công ty KBL mong muốn bỏ qua giai đoạn thí nghiệm tại Quảng Nam để nhập khẩu trực tiếp giống tằm biến đổi gen từ Mỹ vào. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và công nghệ đã có khuyến cáo đề nghị KBL tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của bộ này về Quy định an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho rằng, việc nhập khẩu giống tằm lai này phải được công nhận đủ điều kiện nhập vào Việt Nam, không ảnh hưởng đến môi trường, không gây hại, ảnh hưởng đến dâu tằm trong nước.

Công ty KBL đã thực hiện khảo sát tại Quảng Nam từ tháng 1.2017 với kỳ vọng sản xuất tơ tằm công nghệ cao trên cơ sở nhập khẩu giống tằm biến đổi gen  Bombyx Mori, lai tạo với giống tằm trong nước để chuyển giao cho người dân nuôi. KBL muốn liên kết với nông dân để phát triển vùng trồng dâu có quy mô hơn 200 héc ta và thu mua toàn bộ kén trong dân để sản xuất thành tơ nguyên liệu, đảm bảo nâng cao thu nhập cho người dân so với cây trồng hiện tại. Ông Jon Rice cho biết thêm, KBL đã có hợp đồng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để cung ứng nguyên liệu sợi sản xuất trang phục cho quân đội nước này. Với các tính năng bền chắc, độ co giãn gấp nhiều lần so với các loại sợi khác, KBL đã sản xuất khảo nghiệm sợi tơ từ giống tằm lai này tại Mỹ và hiện tại họ đang tìm kiếm đối tác đáp ứng đủ yêu cầu để sản xuất diện rộng.

Theo kế hoạch, dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển dâu tằm tơ công nghệ cao dự kiến được chia làm các giai đoạn khác nhau, trong đó trọng tâm sẽ đầu tư xây dựng Khu Liên hợp dâu tằm tơ tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, với diện tích 50 héc ta.

Tại đây, KBL sẽ xây dựng các vườn ươm dâu chất lượng cao để nuôi tằm và cung cấp giống cho các hợp tác xã và hộ dân. Cùng với đó, Trung tâm Nghiên cứu giống sẽ hình thành để cho ra đời các loại tằm lai chất lượng cao cung ứng trứng tằm.

Trong tương lai, KBL dự kiến hợp tác với chính quyền địa phương, các hợp tác xã và hộ nông dân thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… để trồng dâu, phục vụ cho việc phát triển và hoạt động lâu dài của dự án, với diện tích trồng dâu dự kiến 2.000 - 2.500ha.

Tỉnh hỗ trợ phát triển dự án

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là mối quan tâm lớn của Quảng Nam. Địa phương quan tâm và kỳ vọng về dự án phát triển dâu tằm công nghệ cao, bởi không chỉ về vấn đề phát triển kinh tế, đây còn liên quan đến một nghề truyền thống, một dấu ấn văn hóa của Quảng Nam.

“Tôi hy vọng dự án thành công sẽ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần phục hưng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống, lấy lại tên tuổi của tơ lụa Quảng Nam” - ông Đinh Văn Thu nói.

Thời gian tới, kỳ vọng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của tỉnh sẽ được khôi phục. Ảnh: NGHI SỰ
Thời gian tới, kỳ vọng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của tỉnh sẽ được khôi phục. Ảnh: NGHI SỰ

Hiện tại, đã có 5 héc ta trồng dâu tại Điện Quang để phục vụ việc phát triển giống tằm lai mới. Ông Jon Rice cho biết, giống tằm Bombyx Mori đã được Cục Kiểm định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thông qua. Và hiện tại, họ đang chờ kết quả kiểm định từ Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ NN&PTNT Việt Nam để được nhập khẩu trực tiếp giống tằm này vào Việt Nam.

Trong khi đó, người dân xứ Quảng đang rất mong chờ dự án phát triển dâu tằm tơ sẽ nhanh chóng khởi động.

Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, ngay sau khi có thông tin KBL sẽ đầu tư dự án dâu tằm tơ công nghệ cao tại địa phương, Đại Lộc đã mau chóng đưa khu vực dự án lựa chọn ra khỏi quy hoạch phát triển vùng công nghiệp của địa phương.

“Cả chính quyền lẫn người dân địa phương đều hồ hởi khi nghe tin về dự án sẽ đầu tư tại Đại Lộc. Chúng tôi mong đợi dự án khởi động để có thể phục hưng một nghề truyền thống của địa phương” - ông Đoàn Ngọc Quang chia sẻ.

Công ty KBL đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để nhanh chóng xúc tiến dự án và ra mắt các dòng sản phẩm tơ lụa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường quốc tế.

Với quan điểm tiếp tục ủng hộ cho việc triển khai dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu gia hạn thời gian nghiên cứu, khảo sát dự án của KBL đến 31.12.2018.

“Trong thời gian này, chủ đầu tư phải có được giấy chứng nhận của Bộ Khoa học và công nghệ về việc nhập khẩu giống tằm lai từ Hoa Kỳ để nhân và phát triển trong khuôn khổ dự án. Chiếu theo Luật Đất đai hiện hành, tỉnh không thể tạm giao đất theo nguyện vọng của nhà đầu tư; tuy nhiên tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành hỗ trợ nhà đầu tư tối đa về thủ tục, tư vấn, sẵn sàng hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển dự án. Việc cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn 50 năm sẽ được tiến hành sau khi nhà đầu tư thực hiện thành công thí nghiệm, nuôi khảo nghiệm giống tằm lai và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận” - ông Đinh Văn Thu nói thêm.

LÊ QUÂN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 41769

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1508637

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12362262