Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Hội Nông dân Giải phóng miền Nam (21/4/1961-21/4/2023)

Thứ tư - 12/04/2023 01:27
HỘI NÔNG DÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM - TỔ CHỨC NÒNG CỐT CỦA CÁCH MẠNG Ở NÔNG THÔN MIỀN NAM TRONG CÔNG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
Đ/c Đinh Khắc Đính - PCT BCH Trung ương HND Việt Nam trao kỷ niệm chương vì giai cấp NDVN cho cựu cán bộ Hội Nông dân giải phóng miền Nam, khu vực miền Trung - Tây nguyên, nhân KN 60 năm thành lập

Đ/c Đinh Khắc Đính - PCT BCH Trung ương HND Việt Nam trao kỷ niệm chương vì giai cấp NDVN cho cựu cán bộ Hội Nông dân giải phóng miền Nam, khu vực miền Trung - Tây nguyên, nhân KN 60 năm thành lập

I. Hội Nông dân Giải phóng miền Nam - tổ chức nòng cốt của cách mạng ở nông thôn miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước
 Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơneve về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, đất nước tạm thời chia thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau để hai năm sau tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phá hoại việc thi hành hiệp định Giơnevơ, chúng hất cẳng Pháp và tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của Mỹ nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn sự phát triển của CNXH.
Để thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ thiết lập ở miền Nam chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm, một chế độ độc tài phát xít tàn bạo, chúng liên tiếp gây ra các vụ tàn sát đẫm máu, điển hình như: ở Chợ Được, đập Vĩnh Trinh (Quảng Nam, ngày 04/9/1954), Chí Thạnh (Phú Yên, ngày 07/9/1954), Mỏ Cày (Bến Tre, ngày 13/9/1954); đầu độc Nhà lao Phú lợi (Bình Dương) ngày 01/12/1958 chúng giết hại hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng và thường dân vô tội khác, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, đè bẹp ý chí chiến đấu vì độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Cùng với việc thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm triệt phá cơ sở cách mạng khắp các địa bàn nông thôn miền Nam, Mỹ - Diệm còn âm mưu phục hồi giai cấp địa chủ, bày trò cải cách điền địa, ban bố Đạo Dụ (Đạo luật) số 2; số 7 và số 57 để lừa bịp nông dân, nhằm bần cùng hóa nông dân, đưa nông dân trở lại cuộc đời nô lệ làm thuê cho bọn địa chủ, tước đoạt thành quả về ruộng đất mà cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho nông dân; đi đôi với kế hoạch lập “Khu dinh điền”,  Mỹ - Diệm còn thành lập “khu trù mật” ở các vùng từ Tây Nguyên đến vùng đồng bằng Nam bộ nhằm bình định nông thôn, khống chế nông dân, theo phương châm “tách cá khỏi nước” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nông dân với Đảng. Trước tình hình đó, tổ chức Hội Nông dân cũng chuyển hướng họat động dưới hình thức tương trợ, vạn vần đổi công để tiếp tục lãnh đạo nông dân và tìm mọi cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, che dấu, bảo vệ đảng viên và cán bộ; đồng thời, không cam chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, nông dân miền Nam tiếp tục vùng lên chống lại các chính sách phản động của Mỹ - Diệm bằng các cuộc đấu tranh từ công khai bất hợp pháp và hợp pháp, từ đấu tranh chính trị đến dùng bạo lực nhằm phá thế bao vây, kìm kẹp của địch và diệt địch liên tiếp nổ ra khắp miền Nam, chống lại chế độ bù nhìn, tay sai Ngô Đình Diệm đòi thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ, chống khủng bố, trả thù người kháng chiến; yêu cầu bải bỏ các Đạo Dụ phục hồi giai cấp địa chủ cướp bóc ruộng đất của nông dân.
 Đặc biệt từ giữa năm 1959, trước khí thế sục sôi cách mạng và sự khủng bố dã man của kẻ thù, bọn bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm công bố Luật 10/59, Mỹ - Diệm đã lê máy chém khủng bố man rợ khắp miền Nam, phong trào nông dân khắp miền Nam đã vùng lên đập tan từng mảng chính quyền cơ sở của địch, như nông dân miền Tây Nam bộ đánh chiếm Đồn Vàm Cái Tàu (Sông Đốc - Cà Mau); ở miền Trung - Tây Nguyên phong trào vót chông diệt giặc của đồng bào các dân tộc đã làm cho kẻ thù khiếp sợ; cuộc nổi dậy của hơn 5000 nông dân Ralai, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) phá khu tập trung Bà Râu - Tầm Ngân sau đó nơi đây trở thành chiến khu cách mạng; làng Ông Tía (Quảng Nam); xã Trà Quang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) ngày 28/8/1959; ở Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa bàn bị địch kìm kẹp nhất nhưng hơn 500 nông dân các dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Cô đã  tập hợp chống lại địch và hô vang lời thề với Đảng đoàn kết một lòng theo cách mạng đấu tranh chống lại Mỹ - Diệm cho đến thắng lợi cuối cùng và các cuộc nổi dậy cướp chính quyền của nông dân xã: Thường Phú, Thường Thới Hậu, Thường Lạc – huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp); xã Đức Lập và xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa (Long An) ngày 04/9/954; cuộc khởi nghĩa của nông dân An Biên (Kiên Giang) Rùm Đuôn (Tây Ninh) Long Mỹ - Phụng Hiệp (Hậu Giang) …cũng giành thắng lợi.
Đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, trên cơ sở Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tháng 01/1959. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp Trung ương Đảng (khóa II) đã đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và  phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và “người cày có ruộng”, xây dựng nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Hội nghị đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Phương pháp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, kết hợp chặt chẽ 3 vùng: đô thị, đồng bằng và rừng núi. Trên tinh thần đó, Hội nghị xác định phải thành lập một mặt trận rộng rãi ở miền Nam nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ giới tuyến 17 đến mũi Cà Mau ngọn lửa đấu tranh cách mạng được bùng lên như “Thác trào bão cuốn” mở ra cao trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở tất cả các địa bàn cả nông thôn và thành thị. Điển hình, đêm 16 rạng ngày 17/01/1960, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, nông dân các huyện Minh Tân, Thạnh Phú, Mõ Cày đồng khởi diệt ác, trừ gian giành quyền làm chủ và nhanh chóng lan rộng trong phạm vi toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền Nam. Tính đến cuối năm 1960, qua hai đợt đồng khởi, quân và dân miền Nam đã làm tan rã về cơ bản cơ cấu chính quyền của địch ở nông thôn. Trong tổng số 2.627 xã ở miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, số còn lại căn cứ của địch hầu hết đã bị tê liệt. Ở Tây Nguyên và vùng rừng núi khu V, ngụy quyền cơ sở đã bị quét sạch. Kế hoạch lập “khu trù mật” của địch đã bị phá sản, chính sách “cải cách điền địa” của địch đã bị thất bại thảm hại, 2/3 ruộng đất của nông dân bị Mỹ - Diệm cướp đã trở về tay nông dân làm chủ. Uy thế của cách mạng được cũng cố và nâng cao hơn bao giờ hết.
Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Bắc Tây Ninh, tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới sự  lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời và trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngay sau khi ra đời, Hội đã tuyên bố tán thành nội dung Tuyên ngôn và chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước và thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ. Đồng thời, Hội nhấn mạnh trách nhiệm của nông dân miền Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
II. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tổ chức, huy động nông dân đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ ruộng đất do cách mạng đem lại
1. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn
Từ năm 1954 đến năm 1960, Đảng chuyển hướng tổ chức, phương thức hoạt động vào bí mật. Lúc này các hoạt động của Hội Nông dân cứu quốc cùng chuyển hướng theo các tổ chức tương trợ và dạng “vần đổi công” trong từng địa phương để tiếp tục lãnh đạo phong trào nông dân. Tuy thời gian này, Hội không công khai hoạt động nhưng trong nông dân đều có tổ chức nòng cốt. Ở đơn vị ấp, có tổ chức cốt cán, mỗi cốt cán có 3 - 4 nòng cốt, mỗi nòng cốt có 3 - 4 quần chúng cảm tình cách mạng, theo hệ thống bắt rễ xâu chuỗi. Đến khi Hội Nông dân Giải phóng ra đời và công khai hoạt động thì tổ chức nòng cốt chuyển đổi thành tiểu tổ Nông hội và Ban cán sự Nông hội thôn, ấp.
Qua phong trào Đồng khởi của nông dân (1954-1960), tổ chức Hội đã phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và làm nòng cốt trên các mặt trận đấu tranh cách mạng. Trước thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam, tháng 5/1961 với bản chất hiếu chiến, Sen Đầm quốc tế, Tổng Thống Mỹ KEN-NƠ-DI quyết định thi hành “chiến lược chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (giai đoạn 1961-1965) chúng dùng quân đội Sài Gòn làm lực lượng chủ yếu do Mỹ cung cấp vũ khí, tài chính và chỉ huy bằng hệ thống cố vấn quân sự, chúng kết hợp 3 biện pháp chiến lược cơ bản: Tìm diệt bộ đội cộng sản, triệt tiêu cơ sở cách mạng và phong tỏa biên giới trên đất liền, vùng biển và kết hợp chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong đó đế quốc Mỹ xem “Bình định nông thôn” là mục tiêu chủ yếu  và là biện pháp trung tâm trong suốt cuộc chiến tranh, Mỹ - Diệm đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt” thực hiện quốc sách “ấp chiến lược” dồn dân lập ấp với âm mưu “tát nước, bắt cá”. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận dân tộc Giải Phóng miền Nam, cán bộ, chiến sĩ nông dân miền Nam  không sợ gian khổ, hy sinh quyết bám trụ giữ làng, vùng lên chống giặc với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” phá thế bao vây kìm kẹp của địch, tiến hành đốt phá “ấp chiến lược” tự giải phóng nông thôn, thành lập chính quyền tự quản. Mặt khác kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng tổ chức kháng chiến, với những đòn tiến công mạnh mẽ vào sào nguyệt của địch như chiến thắng: Ấp Bắc (Tiền Giang); Chiến khu D (Đồng Nai; Dầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau); Lộc Ninh (Bình Dương); Hiệp Hòa, Đức Huệ (Long An); Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu); Đồng Xoài (Bình Phước); Tua Hai (Tây Ninh) v.v…đã làm cho kế hoạch “bình định” của địch bị phá vỡ, “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, tuyệt đại đa số bộ phận nông thôn đã được giải phóng, Hội Nông dân đã thực hiện việc chuyển ruộng đất về cho nông dân.
Đến năm 1965, “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh áp dụng “chiến lược chiến tranh cục bộ” chúng huy động ồ ạt khoảng 3 triệu lược quân Viễn chinh trực tiếp xâm lược, đánh phá miền Nam Việt Nam, mà đỉnh cao là thời kỳ 1968 -1969 chúng đưa 683.000 quân Mỹ tham chiến với môt lượng khổng lồ vũ khí, tài chính và kỹ thuật hiện đại nhất vào chiến tranhViệt Nam.
 Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, tổ chức Hội có bị xáo trộn, việc tập hợp sinh hoạt có nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình ổn định hơn, cơ sở Hội lại tiếp tục được củng cố và phát triển. Số hội viên không ngừng được tăng lên. Mặc dù trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng một số địa phương đã biết kết hợp các mặt công tác kháng chiến để phát triển hội viên. Có nơi huy động nông dân đi “dân công hỏa tuyến” tiếp lương tải đạn phục vụ chiến trường, hoặc vận động nông dân đấu tranh 3 mũi giáp công (chính trị, binh vận, vũ trang) kết hợp bồi dưỡng phát triển. Như vậy vừa đảm bảo công tác kháng chiến luôn được đẩy mạnh vừa phát triển lực lượng Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 01/1965, Đại hội thứ I của Hội Nông dân Giải phóng miền Nam Việt Nam được khai mạc, Đại hội đã đánh giá tình  hình hoạt động của Hội từ khi ra đời (1961) và quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch “bình định”, “gom dân lập ấp” của địch. Đại hội đã biểu dương những thành tích to lớn của nông dân miền Nam trong việc phát triển thế trận chiến tranh du kích, đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ và là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất, đảm bảo đời sống và cung cấp sức người, của cải cho tiền tuyến.
Qua Đại hội I, phong trào của Hội tiếp tục được phát triển mạnh hơn về số lượng và chất lượng. Lúc này bộ máy tổ chức của Hội Nông dân Giải phóng đã hình thành theo 5 cấp: miền, khu, tỉnh, huyện và xã. Xã là tổ chức cơ sở của Hội ở xã, có Ban Chấp hành Hội cấp xã, dưới thôn, ấp có Ban cán sự thôn, ấp và tiểu tổ Hội. Bộ máy của Hội được củng cố ở tất cả các cấp từ xã lên huyện, tỉnh và khu.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Đảng, lấy địa bàn nông thôn làm hướng tấn công chính, đánh mạnh vào kế hoạch bình định cấp tốc của địch, Hội Nông dân Giải phóng đã chủ động giáo dục hội viên, nông dân khắc phục tư tưởng nôn nóng muốn thắng nhanh, đồng thời vạch rõ nhiệm vụ quan trọng nhất ở nông thôn là giành dân, lấn đất, phát triển thế và lực của ta, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công. Nông dân liên tục nổi dậy mở thêm nhiều vùng giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn nhiều xã, nhiều huyện hình thành vành đai diệt Mỹ nổi tiếng như: Củ Chi Đất Thép Thành Đồng (TP.HCM) Điện Bàn (Quảng Nam). Đến cuối năm 1966- 1967, quân và dân miền Nam đã bẻ gãy và làm thất bại kế hoạch chiến dịch mùa khô lần thứ II với 5 mũi tên xanh, 2 gọng kìm của Mỹ bằng trận càn XÊ-ĐA-PHÔNL vào Củ Chi (TP.HCM), Bến Súc, Bến Cát (Bình Dương) và đặc biệt là trận càn GIAN-XƠN-XI-TY vào chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) nhằm triệt hạ căn cứ cách mạng vùng Tam giác sắc và căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam, chiến dịch tổng công kích mùa xuân Mậu Thân năm 1968 được phát động, hàng triệu nông dân ở các vùng nông thôn xuống đường bao vây tiến công đánh địch trên tất cả các chiến trường từ nông thôn đến thành thị làm cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn từng bước sụp đổ, góp phần giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược Xuân Mậu Thân 1968.
Trước sự thất bại nặng nề của quân Viễn chinh Mỹ và chính quyền Sài gòn, ngày 03/4/1968 buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Việt Nam tại Pari về chấm dứt ném bom miền Bắc; đồng thời, Tổng thống Mỹ Giôn Xơn tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ II. Như vậy Mỹ đã chính thức thừa nhận sự thất bại của “chiến lược chiến tranh cục bộ”. Nhưng với bản chất hiếu chiến, tàn bạo và ngoan cố đế quốc Mỹ không cam chịu thất bại, cuối năm 1969 chúng chuyển sang thi hành “học thuyết Ních-Xơn” và “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” tức dùng “người Việt giết người Việt” xem đây là cuộc chiến tranh của người Việt Nam với nhau để lừa bịp cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình ở Việt Nam. Mặt khác Mỹ tăng cường “chiến tranh đặc biệt” ở Lào, mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia. Trong thời gian này Mỹ sử dụng tối đa về quân sự, kết hợp với những thủ đoạn chính trị - ngoại giao hết sức xảo quyệt nhằm giành lại thế mạnh, để cô lập và bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược này, quân và dân ta kết hợp với nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia nổi dậy tiến công địch những đòn quyết định trên chiến trường Đường 9 Nam Lào, Quảng trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và Tây Nam bộ. Trước những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường miền Nam; dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, tháng 01/1969, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, hơn 100 đại biểu nông dân các địa phương trong toàn miền về dự. Đại hội đã nghe Ban Chấp hành Nông hội toàn miền báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất và bản dự thảo nhiệm vụ trong thời gian tới; nghe báo cáo chuyên đề về công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức Hội, báo cáo kết quả thi hành chính sách ruộng đất của Mặt trận, về công tác lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, về phong trào vần công, đổi công trong nông dân.
Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá rất cao thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng đoàn thể của nông dân toàn miền. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc ta.
Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung cho thời gian tới là: Động viên cán bộ hội viên và toàn thể nông dân nâng cao quyết tâm đạp bằng gian khổ, hy sinh, khẩn trương xốc tới trước mắt và đập tan kế hoạch bình định cấp tốc của địch; đẩy mạnh tấn công địch bằng võ trang, chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm, giải phóng vùng nông thôn còn bị địch kìm kẹp; củng cố vững chắc vùng giải phóng về mọi mặt, vận động nông dân đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến đi đôi với chăm lo bồi dưỡng sức dân kiên quyết giành thắng lợi to lớn hơn, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Yêu cầu nhiệm vụ công tác của Hội hiện nay không những vừa đảm bảo nhiệm vụ trước mắt đồng thời phải xây dựng tư tưởng và tổ chức vững mạnh, sẵn sàng đánh thắng địch trong giai đoạn tới, không ngừng đưa cách mạng miền Nam tiến lên làm cho đời sống của nông dân ấm no, hạnh phúc”.
Với nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra, Hội Nông dân các cấp trong toàn miền đã lãnh đạo nông dân đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc, nông dân miền Nam liên tiếp nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần quan trọng làm chuyển biến cục diện chiến tranh, tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi trọn vẹn, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.
2. Hội Nông dân Giải phóng miền Nam lãnh đạo nông dân thực hiện các phong trào ở nông thôn
a. Phong trào đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ ruộng đất do cách mạng đem lại.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính sách ruộng đất của Đảng được thực hiện từng bước trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp. Tính chung từ Liên khu V vào đến Nam bộ trong thời gian từ 1945 đến 1954 đã có trên 750.000ha ruộng đất các loại được cách mạng chia cấp và tạm giao cho nông dân, địa tô phong kiến giảm còn từ 25% trở xuống so với sản lượng. Đời sống dân nghèo đã được cải thiện một cách rõ rệt. Những thành quả về ruộng đất mà nông dân miền Nam giành được từ sau Cách mạng tháng Tám đến kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi tuy mới là kết quả bước đầu nhưng đã để lại ảnh hưởng sâu sắc, tạo nguồn lực to lớn cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước sau này.
Sau Hiệp định Giơnevơ, Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào xâm lược miền Nam, chúng thi hành chính sách “bình định nông thôn’ nhằm chống lại sự nổi dậy của quần chúng nhân dân vì chúng xác định có kiểm soát được nông thôn, chúng mới chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, mất nông thôn chúng sẽ mất tất cả.
Trong suốt hơn 20 năm can thiệp và xâm lược, đế quốc Mỹ và tay sai luôn đặt vấn đề ruộng đất làm quốc sách thành một thủ đoạn có ý nghĩa chiến lược. Với các Dụ số 2, số 7, số 57 từ năm 1955 đến năm 1956, chính quyền Diệm đã bật đèn xanh cho giai cấp địa chủ giật lại số ruộng đất mà cách mạng cấp cho nông dân và tăng tô, truy tô một cách phổ biến. Thực tế cho thấy khắp nông thôn miền Nam, từ Nam bộ đến Trung bộ và Tây Nguyên, số ruộng đất của nông dân được cách mạng cấp đã bị địa chủ và chính quyền Mỹ - Diệm cướp lại gần hết. Điển hình như ở Mỹ Tho, trong số 46.415ha đất của nông dân được chia cấp chỉ còn giữ được 16ha, 26.000ha đã bị tăng tô. Mức tô trước đây giảm còn 20-25 giạ nay đã tặng lên 35-60 giạ lúa/ha.
Nhưng chính phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam từ cuối năm 1959 cho đến năm 1975 đã đánh đòn quyết định vào giai cấp địa chủ miền Nam. Ruộng đất mà địa chủ tước đoạt lại của nông dân sau năm 1954 đã phải trả lại cho nông dân. Ruộng đất của địa chủ làm tay sai cho Mỹ - Ngụy tiếp tục bị tịch thu, trưng thu và cấp cho nông dân, ruộng đất của địa chủ vắng mặt được tạm chia cấp cho nông dân không ruộng và thiếu ruộng. Địa chủ thường được phép thu tô nhưng phải thu theo quy định của cách mạng. Kể từ sau Đồng khởi 1960 đến 1965, từ Trị Thiên vào đến Nam bộ, nông dân đã giành thêm quyền làm chủ 1.382.776 ha ruộng đất từ tay bọn phản động. Nếu tính cả đất đai mà nông dân đã thu trước đó thì ruộng đất có trong tay nông dân đến thời điểm này là 2.100.000ha, chiếm 70% đất canh tác toàn miền. Mức tô trong vùng giải phóng đã giảm xuống còn từ 3-20% sản lượng, trung bình  là 10%, có nơi nông dân không nộp cho địa chủ nữa.
Có thể nói chính sách ruộng đất của cách mạng do Hội Nông dân Giải phóng đứng ra thực hiện kể từ sau Đồng khởi đã có tác dụng tích cực động viên hội viên và nông dân miền Nam luôn trung thành với Đảng và cách mạng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
b. Phong trào nông dân miền Nam trong sản xuất phục vụ chiến đấu.
Việc thực hiện từng bước chính sách ruộng đất sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau Đồng khởi 1959-1960 đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích tinh thần hăng hái sản xuất của nông dân lao động. Có thể nói trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiệm vụ sản xuất ở nông thôn gắn với việc đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” của địch, mở rộng vùng giải phóng, cải thiện đời sống nông dân và bảo đảm cung cấp sức người, sức của cho cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “hầm tốt hơn nhà tốt”, “biến nhà thành công sự, biến đồng ruộng thành trận địa”, ngụy trang cho trâu bò, đào công sự tránh bom pháo ở ngoài đồng, bố trí lực lượng canh gác ngày đêm,... đã xuất nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm kiên cường giữ đất, giữ làng. Trong lúc nguồn nhân lực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn làm nam giới phải cầm súng trực tiếp ra tiền tuyến thì ở hậu phương – nông thôn, lực lượng sản xuất chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Đặc biệt lực lượng nữ đã thể hiện vai trò thay thế nam giới trong công việc đồng áng. Chị em đã làm được những việc trước đây chưa biết làm như: phát cỏ, cày bừa, cuốc đất, ở miền núi thì phát rẫy…, Tinh thần tương trợ trong nông dân lúc này đã thể hiện rất rõ trong sản xuất và đời sống. Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng những vạn vần, đổi công vẫn phát triển mạnh mẽ trong nông dân ở nông thôn, trở thành chỗ dựa, nơi che dấu cán bộ, du kích…
Đối với sản xuất: Các tổ vạn vần, đổi công đã giúp giải quyết khó khăn thiếu nhân lực trong sản xuất để đảm bảo sản xuất kịp thời vụ và trong những lúc địch đánh phá ác liệt. Lao động của người già và trẻ em được tận dụng. Các vạn vần, đổi công cho thấy nếu nông dân làm ăn riêng lẻ thì có những khó khăn không khắc phục nổi như: từ lúc cày đã có người cày và người lo việc cảnh giới địch đi càn, đi lùng sục; lúc gặt, cấy giấu lúa phải làm thật nhanh chóng, gặp lúc địch đánh ban ngày thì phải chuyển sang làm đêm…
Đối với nhiệm vụ chiến đấu: Các tổ vạn vần, đổi công phần lớn trong các vùng căn cứ, vùng du kích nên hai nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu luôn được gắn chặt với nhau. Trong từng vạn vần, hàng năm đã sắp xếp người đi tòng quân, người vào du kích bám đất giữ  làng, người đi dân công phục vụ chiến đấu. Ngoài ra còn tham gia xây dựng ấp, xã chiến đấu, phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị.
Đối với đời sống: Nhờ bảo đảm được các nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, các tổ vạn vần, đổi công đã giữ được đời sống của tổ trong hoàn cảnh chiến tranh. Một số nơi đời sống còn được cải thiện. Từ đó đã động viên nông dân trong toàn miền hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.
Có thể nói, là một tổ chức chính trị của nông dân miền Nam, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam đã kế thừa truyền thống cách mạng của Nông hội đỏ, Hội Nông dân phản đế và Hội Nông dân cứu quốc. Phát huy thắng lợi trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, Hội đã nêu cao vai trò tiên phong, nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn, vận động nông dân tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình hành động cách mạng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam trong mọi lĩnh vực, nhất là trong sản xuất và chiến đấu, trong thực hiện chính sách ruộng đất, là tổ chức xương sống ở nông thôn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
III- Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành tổ chức Hội không ngừng được củng cố vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ khi ra đời đến nay trải qua các thời kỳ cách mạng với nhiều tên gọi khác nhau: "Nông hội đỏ", "Hội Nông dân phản đế", "Hội Nông dân cứu quốc", "Hội Liên hiệp Nông dân tập thể". Ngày 01/3/1988 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể thành Hội Nông dân Việt Nam. Đến nay, Hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở và đã qua 7 kỳ đại hội; hầu hết các xã, phường, thị trấn có nông dân đều có tổ chức Hội, các thôn, ấp, bản, làng đều có chi, tổ Hội với gần 10,2 triệu hội viên. Tổ chức Hội Nông dân Việt Nam xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, góp phần tăng cường khối liên minh vững chắc Công - Nông - Trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với những thành tích và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, năm 1988 giai cấp nông dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; năm 2010 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2010) giai cấp nông dân Việt Nam lại vinh dự tiếp tục được đón Huân chương Sao vàng lần 2, đây là sự ghi nhận đánh giá cao thành tích, cống hiến của giai cấp nông dân Việt Nam là mốc son mới trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phát huy thành tựu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Hội Nông dân Việt Nam luôn là cơ sở chính trị của xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; vận động, tuyên truyền, giúp cho nông dân hiểu, đồng thuận thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn; phát huy được tính chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân tự giác tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ.
      Hội đã gắn công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân; phát triển nhân rộng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương Nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, khắc phục hậu quả thiên tai; nhiều nông dân tự nguyện nhường đất để xây dựng trường học, nhà trẻ, làm đường giao thông; tự nguyện góp công, góp của làm việc thiện; có người vượt khó say mê tìm tòi và đã thành công trong sáng tạo ra những máy móc, công cụ phục vụ sản xuất... những tấm gương sáng, sinh động ở cơ sở  luôn được nhân lên. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, hội viên, nông dân đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã khang trang tiến bộ hơn; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư hầu hết các vùng nông thôn được cải thiện; dân chủ được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia xây dựng và giám sát cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế.
Kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Hội Nông giải phóng miền Nam cũng là thời gian các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, cùng với cả nước tiến hành Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến đến Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhìn nhận lại kết quả công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ qua; tạo động lực, cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội. Quyết tâm xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII./.

Tác giả bài viết: HỘI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Nguồn tin: Hội Nông dân tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 386

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 385


Hôm nayHôm nay : 71452

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2154045

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15261648