Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Thị Thanh Lâm: Chặng đường như còn đó, bên mình!

Thứ năm - 23/03/2017 21:14
Đến bây giờ, tuổi đã yên để nghĩ chuyện cho mình. Vậy mà bà cũng tất bật ra vô Đà Nẵng - Tam Kỳ. Cũng sớm hôm bận bịu bao nhiêu công chuyện, hộp thư điện tử vẫn hằng giờ “xanh tên”…
Bà Hồ Thị Thanh Lâm trong một cuộc gặp gỡ, đối thoại chủ đề “Nối vòng tay nhân ái” .

Bà Hồ Thị Thanh Lâm trong một cuộc gặp gỡ, đối thoại chủ đề “Nối vòng tay nhân ái” .

Hẳn, nhắc tên người này, trong những ngày giờ rộn ràng ôn chuyện xưa vùng đất, nhiều người sẽ hình dung về bà. Và vẫn còn đó, những câu chuyện cũ thoảng qua như một làn gió sớm, những chuyện vui chuyện buồn, chuyện công chuyện tư… nên một dòng ký ức sâu đậm, với bà Hồ Thị Thanh Lâm.

Bà Hồ Thị Thanh Lâm.
Bà Hồ Thị Thanh Lâm.

1. Năm 1997, trong dòng người từ Đà Nẵng vào Quảng Nam làm việc, bà Hồ Thị Thanh Lâm đứng gần như cuối cùng. Một người phụ nữ xắn tay áo lên để làm công chuyện chuẩn bị từ việc đón đoàn cán bộ, nội dung chương trình đến sau này là bao nhiêu thứ khởi đầu từ con số “không”… Ngoảnh lại, đã trọn 20 năm. Từ trước đó, người phụ nữ này đã liên tục di chuyển, từ Đà Nẵng vào Núi Thành, rồi Núi Thành ngược Đà Nẵng, lại Đà Nẵng vào Tam Kỳ. Gia đình, cũng theo đó, mà đùm đề di chuyển. Bây giờ nhắc lại, như còn thấy mình nợ những đứa con với tuổi thơ phải chắt chiu giây phút bên mẹ. Nhưng rồi người phụ nữ bây giờ đã lên tới chức bà, vẫn chưa thôi chuyện đi. Trước đi vì bao nhiêu thứ phải xây dựng kiến tạo, phải cân lên đặt xuống vì lời nói, chữ ký của mình, thì nay lại đi, vì bao nhiêu người khó người khổ vẫn còn đợi. Bây giờ thì ngược lại, phải nói thật nhiều, để làm sao kéo mạnh thường quân đưa tay về với Quảng Nam, với trẻ em nghèo, người tàn tật… Lại thấy mừng vì tuổi tác còn chưa kéo sức khỏe, nhiệt tình của mình đi xuống. Thời gian rỗi cũng nhiều hơn nên càng tự thấy mình còn cần phải bền bỉ hơn, với câu chuyện của người già, người khổ… Bà Lâm cứ vậy, tự nhủ mình đã đi gần hết quãng đời với đất này, thì chắc, sự gắn bó hay day dứt, dễ gì phai phôi.

2. Quảng Nam 20 năm. Bao nhiêu thứ đổi dời. Bao nhiêu điều mới mẻ. Người xa quê từ những năm cuối thập niên 1980, trở về quê nhà mỗi bận lễ lạt trong vài năm lại đây, ồ à lên vì những cơ ngơi từ vùng đất khó. Bà Lâm nói, tính từ mốc tái lập tỉnh, đến năm 2007, khi bà rời công quyền, Quảng Nam đã có những bước đi chắc chắn, để bây giờ nhìn lại, đã tạm gọi là quê mình có sự phát triển vượt bậc. Năm 1997, khối văn hóa - xã hội hầu như không có gì, từ trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, sân vui chơi… Sau 10 năm, đã thấy có những dấu hiệu mới. “Ví dụ như ngay trên đường số 1 đoạn qua Hương An, mình phải mượn kho của hợp tác xã để làm lớp học. Ở miền núi thì mượn nhà dân. Sau 10 năm, mình có đủ lớp học ở các cấp. Đối với bệnh viện, sau 10 năm, mình có từ bệnh viện huyện đến khu vực, tỉnh đến trung ương. Đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế đầy đủ. Giáo viên khi đó thiếu nhiều, bây giờ thì quá dư để tuyển chọn. Lúc bấy giờ, mình phải thay đổi… Sau 10 năm, tôi nghĩ Quảng Nam đã được nhiều thứ” - bà Lâm nói.Mà bà cũng cứ cái nhẹ thênh như đã từng ứng xử bao nhiêu chuyện một cách thiệt nhẹ nhàng, thiệt… phụ nữ. Bà nói phụ nữ tham chính cực khổ lắm, không phải dễ dầu gì đâu. Nhưng là nam hay nữ, khi đã toàn tâm toàn lực, thì sẽ làm tốt ngang nhau. Dẫu phụ nữ, sau bước chân rời cơ quan, là bước vội bước vàng về nhà lo chồng con, gia đình, rồi họ hàng hai bên. Dẫu phụ nữ bước vào chính trường, sau lưng là bao nhiêu áp lực, thành kiến. Bà kể chuyện của mình, bây giờ, điều tiếc nhất vẫn là quỹ thời gian cho con, gần gụi con ngày tuổi trẻ quá ít ỏi, những đứa con phải thích nghi cùng mẹ, học cách tự lập, học tự chăm sóc mình. “Nhưng may mắn, mình có một hậu phương khá tình cảm. Người chồng, người chị ruột của chồng, đã thay mình cáng đáng chuyện nhà cửa, cơm nước” - bà nói. Và, khi người ta hô hào rằng người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, ấy là không thực tế. Chúng tôi, nếu giỏi nếu hay cái này thì phải chịu thiệt thòi ở cái khác. Bà Lâm nói, chữ “đảm” ấy chỉ là khi mình biết sắp xếp khoa học, tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi để giáo dục con cái, nhờ người thân việc này việc khác. Vì bà chọn quỹ thời gian dành cho công việc nhiều hơn. Ở đời, mỗi người sinh ra đều ít nhiều nhận lãnh một số chuyện của cộng đồng. Và cũng bởi nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, nên phải có những người chịu hy sinh, chịu thiệt thòi cá nhân, để xây nền móng, dựng khung sườn, cho một vùng đất lớn.

Và còn nhiều hơn những chuyện dân sinh đã thấy rõ rành. Những người làm văn hóa nhiều thế hệ, cứ mãi nhắc câu chuyện về một người phụ nữ Quảng Nam đi gõ cửa từng đại sứ quán các nước trong UNESCO đặt ở Hà Nội, để “quảng bá di sản”. Rồi người ta nhớ dáng vóc của bà giữa một “rừng” di sản cảnh quan của cả thế giới ở Maroc, để… cũng thiệt nhẹ nhàng, thuyết phục họ nghĩ về Mỹ Sơn, Hội An. Đận ấy, hẳn nhiều người không biết, 4 ngày sau khi có thông tin từ Maroc do bà Lâm gọi về tỉnh, thì người phụ nữ này, một mình khăn gói băng qua nước lũ lớn, để từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ. Chưa kịp nghỉ ngơi, lại đi tiếp câu chuyện lo cho dân trong và sau lũ… Những dòng thời gian cuồn cuộn sự kiện, công chuyện, thi nhau chạy về.

Cả cái tháp truyền hình nằm trên đồi bên kia cầu Nguyễn Văn Trỗi ở Tam Kỳ bây giờ, hồi đó bà Lâm và ông Lê Hoàng Linh (bấy giờ là Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh) đã phải trực tiếp ra đài trung ương xin kinh phí quảng cáo của đài để làm. Và đó, cũng là công trình biểu tượng đầu tiên của Quảng Nam. Ngay cả Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng cũng do bà chủ trì thực hiện, cho đến ngày ra phác thảo thì bà về hưu. Lúc đó, bà Lâm trực tiếp đi xin vận động từ Trung ương Hội Phụ nữ để làm, vì kế hoạch ban đầu, tượng đài ở vị trí cấp tỉnh, sau này Bộ VH-TT&DL nâng cấp lên công trình cấp bộ… Bà Lâm nói, cho đến ngay cả bây giờ, bà vẫn thấy vui vì hành trình của mình, vì đã luôn chỉ bằng sức lực tâm huyết của mình để lo cho những người dân Quảng Nam có một cuộc sống tốt hơn. Chưa lúc nào, nghĩ bất cứ điều gì vị kỷ cho bản thân.

3. Nhưng, vẫn giá như, khi nghĩ đến cuộc hành trình đã qua của mình. Bà Lâm nói vì công việc quá nhiều nên một số mối quan hệ, bà không thể nào gặp gỡ trực tiếp. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tại sao ngày trước lại không sâu sát với họ nhiều, không gặp gỡ họ, nghe họ nói nhiều hơn. Đó là những học giả, nhà nghiên cứu khoa học - những người cống hiến cho Quảng Nam rất nhiều. Từ câu chuyện lịch sử, văn hóa, danh xưng…, họ đã dành tâm sức cho vùng đất xứ Quảng. “Nhưng mình vẫn không có thời gian để gặp gỡ, cảm ơn họ. Sau này có đọc lại những lá thư, của một số nhà nghiên cứu, thì đúng là mình đã thiếu sót. Dù khi ấy, tôi cũng cố gắng trong phạm vi điều hành của mình đáp ứng nguyện vọng của họ bằng cách chỉ đạo các cơ quan ban ngành làm việc, tổ chức hội thảo” - bà nói. Cũng như, sự nuối tiếc vì đã không gần hơn với đội ngũ văn nghệ sĩ để nghe thêm những câu chuyện, tâm tư của họ.  

Bây giờ, tôi hỏi bà, sau chặng đường của mình, bà có ủng hộ phụ nữ làm chính quyền? “Tôi vẫn tiếp tục ủng hộ. Trước khi về hưu, tôi cũng đã đề cử vài người. Nhưng vì một số lý do nào đó lại không thành. Nam và nữ, nếu như có trách nhiệm, nhiệt tình đều làm tốt. Nhưng tính cách phụ nữ nhẹ nhàng hơn, chu đáo hơn nên có nhiều cái sẽ được hơn” - bà Lâm nói. Thì hẳn, để có những người phụ nữ như bà Lâm, thì phải tự mình vượt qua những lằn ranh định kiến vô hình, để ít ra, chưa bao giờ thấy bất an về năng lực của mình, trước một con đường đầy thử thách như chính trường.

Giờ bà Lâm vẫn phong thái đó, vẫn đầy cảm xúc của một người phụ nữ là mẹ, là bà, để cúi xuống nâng niu một đôi tay trẻ tật nguyền, lau hộ giọt nước mắt người mẹ nghèo…

Tác giả bài viết: SONG ANH

Nguồn tin: QNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 340

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 336


Hôm nayHôm nay : 93321

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1400783

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14508386