Những ngày văn hóa Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh: Đong đầy tình quê

Thứ hai - 05/06/2023 18:51
Gặp nhau để tìm thấy hơi ấm tình thân. Gặp nhau để giao lưu, kết nối, xúc tiến hợp tác và cùng hướng về quê nhà. Những người Quảng xa quê không hẹn nhưng tìm thấy nhau trong sự kiện “Những ngày văn hóa Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” tại Công viên văn hóa Đầm Sen vào những ngày cuối tuần vừa qua.
Bà con Quảng Nam thưởng thức nghệ thuật hát bả trạo. Ảnh: Q.L

Bà con Quảng Nam thưởng thức nghệ thuật hát bả trạo. Ảnh: Q.L

Ấm áp tình thân

Sau nhiều năm gián đoạn, “Những ngày văn hóa Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” trở lại với bao háo hức, mong chờ của bà con xa xứ. Họ thu xếp công việc cá nhân, cùng gia đình đến Công viên văn hóa Đầm Sen dự hội.

Khung cảnh rực rỡ đèn lồng, hương vị mỳ Quảng bốc lên nức mũi và những bài ca về xứ Quảng đâu đó vang lên ở góc công viên… càng làm những bước chân thêm rộn ràng.

Tại buổi họp mặt Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, bức thư pháp có chữ “Thuận” dát vàng khắc trên gỗ trầm hương đã được bán đấu giá, với mức giá cuối cùng là 320 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được ủng hộ cho hoạt động xóa nhà tạm cho hộ nghèo tỉnh Quảng Nam. Được biết, bức thư pháp do nghệ nhân Võ Dương điêu khắc trên trầm hương của ông Ngô Mỹ tặng; sau khi hoàn thành được 2 ông tặng, Hội đồng hương Quảng Nam bán đấu giá ủng hộ người nghèo xóa nhà tạm.

Cũng tại ngày hội, con em Quảng Nam xa quê ủng hộ xây dựng 11 căn nhà (50 triệu đồng/căn) và 1 căn nhà trị giá 100 triệu đồng; ủng hộ quỹ khuyến học các địa phương tổng số tiền 300 triệu đồng; tặng quà hộ nghèo, khó khăn hơn 150 triệu đồng.

Lượng người tăng dần qua từng ngày hội. Riêng hôm qua, Chủ nhật (4/6), phần lớn bà con đồng hương không đi làm nên đến sớm và đông hơn hai ngày trước.

Từ cổng tiếp đón, khu vực làm căn cước công dân, bày bán OCOP, ẩm thực cho đến những buổi gặp gỡ, đâu đâu người Quảng cũng dễ dàng bắt chuyện, cười nói rôm rả bằng thứ ngôn ngữ quen thuộc.

Khu vực ẩm thực, bày bán sản phẩm OCOP xứ Quảng được bà con quan tâm nhiều nhất. Khách hàng nườm nượp, sẵn sàng xếp hàng, chờ đợi để mua đặc sản.

Bà Huỳnh Thị Liễu - quê thị xã Điện Bàn nói, bê thui, mỳ Quảng, cơm gà hay vài đặc sản vẫn có ở Sài thành, nhất là khu vực có đông người Quảng sinh sống, học tập và làm việc. Nhưng ở ngày hội, những món ăn, đặc sản này hoàn toàn khác biệt. Đó là vị quê hương đong đầy và ấm áp tình thân, nhất là với người xa quê lâu năm.

Ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, bà con đến tham dự ngày hội đông là minh chứng dù đi xa quê nhưng nghĩa tình với đất Quảng vẫn sâu nặng.

Họ đến, đôi khi chỉ vì được gặp gỡ, trò chuyện với nhau bên tô mỳ Quảng hay tham quan những gian hàng OCOP, khởi nghiệp, làng nghề để nhìn thấy, nghe những đổi thay trên mảnh đất quê. Bấy nhiêu thôi cũng đã là niềm hạnh phúc vô bờ.

Tâm tình người xa xứ

Bà Đặng Thị Ngọc Thúy (69 tuổi, quê xã Duy Phước, Duy Xuyên) đã hẹn nhóm bạn cũng là đồng hương gặp gỡ tại không gian hô hát bài chòi - món ăn tinh thần mà đã lâu họ chưa được dịp thưởng thức. Bà Thúy say mê thưởng thức từng câu hát và vỡ òa trong niềm vui sướng khi quân bài trên tay hô trúng… Xa xứ nhiều năm, có lẽ hôm nay với bà là ngày vui và khó quên.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan gian hàng OCOP tại ngày hội. Ảnh: Q.L
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan gian hàng OCOP tại ngày hội. Ảnh: Q.L

Bà Thúy chia sẻ, bà theo cha mẹ đi vào Nam từ năm 1965. Vào đây, bà học nghề dệt do chính gia đình mang từ quê vào, rồi làm nghề và nuôi sống gia đình. Sau này, khi có tuổi, bà chuyển sang buôn bán ở quận 11 (TP.Hồ Chí Minh). Mỗi năm, gia đình vẫn thường về thăm quê để con cháu biết cội nguồn tổ tiên.

“Nghe tin Hội đồng hương tổ chức ngày hội, tôi bảo con cái phải thu xếp công việc để tham dự. Các con, các cháu sinh ra, lớn lên ở đây, quen văn hóa trong này rồi, mọi thứ về Quảng Nam đôi khi vẫn còn lạ lẫm. Vừa tham quan, thưởng thức, tôi cũng giới thiệu, chỉ dạy để con cháu hiểu, chính những giá trị văn hóa này đã từng nuôi lớn các thế hệ ông bà mình” - bà Thúy nói.

Còn với ông Ung Nho Căn (quê xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), xuyên suốt ngày hội, ông không bỏ sót buổi trình diễn nào, từ bài chòi, bả trạo hay múa cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu.

Ông Căn nói, những nét văn hóa ấy, chỉ có thể thưởng thức ở quê, chứ nơi xa xứ này thì hiếm lắm. Qua từng câu hát mới thấy bề dày văn hóa Quảng Nam như thế nào. Đây cũng là dịp để con cháu xứ Quảng, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết, chung tay, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Ông Mai Phúc nói: “Làm công tác đồng hương nhiều năm, tôi thấy bà con mình vẫn giữ truyền thống xứ Quảng, là cách sống giản dị, hiếu học, thậm chí hay cãi nhưng đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp do người Quảng thành lập có chỗ đứng vững chắc. Nhiều doanh nhân xứ Quảng thành công, vinh danh khắp khu vực phía Nam”.

Hướng về quê hương

Theo Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, tấm lòng của người Quảng xa quê hướng về quê nhà luôn đong đầy. Như doanh nhân Lưu Thủy và Mai Văn Thuận đã trao tặng xe cấp cứu và máy siêu âm màu cho Bệnh viện Đa Khoa Phú Ninh.

Mỳ Quảng - món ăn được bà con tìm đến để thưởng thức nhiều nhất trong ngày hội. Ảnh: Q.L
Mỳ Quảng - món ăn được bà con tìm đến để thưởng thức nhiều nhất trong ngày hội. Ảnh: Q.L

Doanh nhân Tăng Thương Lâm hỗ trợ hàng chục ngôi nhà tình nghĩa thông qua quỹ hội đồng hương, doanh nhân Trần Xuân Chung tặng Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức 500 triệu đồng. Tập đoàn Quảng Thuận tặng xe cứu thương cho các huyện Hiệp Đức, Tây Giang.

Doanh nhân Lê Hùng Anh thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện chăm lo người nghèo và nhà tình nghĩa lên đến hàng tỷ đồng, các chương trình tiếp sức đến trường trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học được các cấp hội đồng hương quan tâm, tặng hàng tỷ đồng học bổng cho con em quê Quảng Nam.

Hội đồng hương Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã trọn lời hứa với bà con quê nhà, xây mới 50 căn nhà và hỗ trợ hàng nghìn phần quà, các hoạt động thiện nguyện trị giá hơn 1 tỷ đồng kịp thời đến với bà con gặp khó khăn tại các địa phương.

Hoạt động hướng về quê nhà của Hội đồng hương không chỉ tấm lòng mà còn là cầu nối tình cảm sâu nặng của bà con xa quê với quê hương, sẻ chia phần nào với người nghèo khó, hoạn nạn, thiên tai.

Ông Võ Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á nói: “Là người con quê hương Tiên Phước, tôi cũng đã đồng hành với quỹ học bổng Huỳnh Thúc Kháng của huyện và đầu tư cho CLB bóng đá đồng hương Tiên Phước tại TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay được tham gia Ban chấp hành Hiệp hội doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, tôi sẽ cố gắng đóng góp để xây dựng cộng đồng người Quảng ở phía Nam gắn kết, cùng nhau phát triển”.

Còn ông ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lâu nay, doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp đối với hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương, sẻ chia với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng hoạt động đầu tư về Quảng Nam thì vẫn chưa có gì ấn tượng. Thời gian tới, sau khi củng cố lại hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân sẽ có những định hướng đầu tư, góp một phần công sức hướng về xây dựng quê hương Quảng Nam”.

Tác giả bài viết: Hồ Quân - Diễm Lệ

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 39872

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2219340

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15326943