Quảng Nam hối hả sản xuất sau lũ

Thứ ba - 10/01/2017 17:59
Hai đợt mưa lũ liên tiếp khiến vụ SX lúa ĐX 2016-2017 trên địa bàn Quảng Nam bị trễ thời vụ. Sau lũ nông dân ra đồng khẩn trương gieo sạ.
Người dân nhanh chóng gieo sạ lúa sau lũ

Người dân nhanh chóng gieo sạ lúa sau lũ

Nước rút sạ ngay

Đợt mưa kéo dài vừa dứt, trời nắng ấm bà Nguyễn Thị Lan, thôn Thạch Bình, xã Bình An, huyện Thăng Bình cùng chồng ra ruộng làm đất gieo sạ 2 sào lúa vụ ĐX. Theo bà Lan, đám ruộng này đã xuống giống một lần nhưng được mấy hôm mưa lũ gây ngập úng. Tổng thiệt hại gần 10kg giống, tiền phân bón, cày bừa và công.

“Đáng ra thời điểm này ruộng lúa đẻ nhánh xanh mơn mởn và dặm tỉa nhưng giờ mới lụi hụi làm. Mới đầu vụ bị thiệt hại lớn, giờ cày bừa tái SX nhằm vớt vát. Đã lâu lắm rồi mới có một vụ ĐX gặp những đợt mưa liên tiếp kéo dài khiến nông dân chạy đua với thời vụ”, bà Lan than phiền.

Với diện tích 2 sào, bà Lan chọn giống lúa ngắn ngày nhằm giảm TGST cho kịp vụ HT tiếp theo. Để làm được việc đó, bà Lan lên kế hoạch bón thêm phân tăng dinh dưỡng cho cây lúa phát triển, đồng thời sớm ra ruộng dặm tỉa và chăm sóc.

Cạnh ruộng của bà Lan, mặc dù trời nắng mấy hôm nhưng không có hệ thống tiêu nước trên cánh đồng khiến 3 sào ruộng của ông Trần Văn Long bị ngập. Trước đó 1 tuần lũ chưa về, ông Long đã gieo sạ nhưng bị nước lũ nhấn chìm nhiều ngày hư hỏng hết giống. Sau lũ ông mua giống về bắc mạ. “Trước 20/1 sẽ cấy xong đám ruộng nên không lo trễ. Sau khi cấy, tôi tổng lực chăm sóc và cầu mong vụ này thời tiết thuận lợi để có lúa mà ăn”, ông Long nói.

Trời tạnh mưa nông dân ra đồng khẩn trương gieo sạ

Khác với những hộ dân có ruộng sâu, lão nông Trương Đức Sang, thôn Lang Châu Bắc đang dọn bờ ruộng cho kịp gieo sạ. Ông Sang cho biết, ngay sau khi tạnh mưa, nước rút, gia đình tôi đã tập trung ra cày bừa và dọn bờ 6 sào ruộng ở cánh đồng Nhà Vàng để chuẩn bị gieo sạ. “Bị chậm trễ thời vụ khoảng 1 tuần, do đó tôi chọn những giống lúa ngày, đến nay đã kịp tiến độ”, ông Sang nói.

Theo ông Sang, hai đợt lũ liên tiếp gây thiệt hại lớn cho nông dân nhưng đem lại nhiều thuận lợi. Ba năm qua trên địa bàn không có mưa lũ xuất hiện, chuột cắn phá lúa gây hư hại nhiều diện tích. Nay có lũ nhấn chìm ruộng đồng khiến chuột chết nhiều. Đồng thời nước lũ về mang thêm bùn non cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa phát triển tốt.

Ngoài cây lúa, đợt lũ gây thiệt nặng nề trên 2.000ha hoa màu ở Quảng Nam. Bà Nguyễn Thị Thìn, thôn Bầu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc có hơn 10 sào rau bị nước cuốn trôi sạch. Nước lũ vừa xuống, bà ra ruộng thu gom cọc tre, lưới nhanh chóng xuống giống.

“Tôi đầu tư hơn hơn 50 triệu đồng mua giống, phân bón để SX rau vụ tết nhưng bị mất trắng. Hiện nguồn giống khan hiếm, trồng rau củ quả lâu ngày mới cho thu hoạch, không còn cách này hơn tập trung trồng rau ăn lá kịp bán kiếm nguồn thu trang trải khi tết về”, bà Thìn cho hay.
 

Kịp thời vụ

Ngay sau khi lũ rút, ngành NN-PTNT Quảng Nam triệu tập cuộc họp khẩn trương khắc phục. Theo đó, chỉ đạo đưa giống lúa ngắn ngày vào SX. UBND tỉnh Quảng Nam sớm cấp tiền hỗ trợ nông dân. Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, vụ ĐX vùng trung du và đồng bằng SX hơn 28.000ha lúa, do mưa lũ kéo dài nên một số vùng chậm thời vụ. Sau lũ có khoảng 15.000ha lúa vùng sâu trũng bị ngập nước.

Tuy nhiên sau đợt từ ngày 31/12 đến 5/1 trời nắng ấm bà con khẩn trương ra đồng gieo sạ. Hiện nông dân đã nhanh chóng sạ gần hết số diện tích này. “Trước ngày 20/1, trên địa bàn Quảng Nam lúa ĐX sẽ được xuống giống, ngành khuyến cáo chăm sóc và dặm tỉa kịp thời vụ”, ông Muộn nói.

Người dân xã Đại An, huyện Đại Lộc thu gom lưới, cọc tre trồng rau ăn lá

Theo ông Muộn, số diện tích gieo sạ đợt đầu bị ngập nước hư hỏng ít, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con tiếp tục chăm sóc để khôi phục. “Số diện tích này không lớn, hiện bà con bón phân và dặm tỉa. Thời tiết nắng nóng xuất hiện, cây lúa phát triển nhanh, do vậy mật độ vẫn đảm bảo”, ông Muộn cho hay.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau lũ để hỗ trợ bà con SX, tỉnh đã tạm ứng 2 triệu đồng/ha từ nguồn hỗ trợ của Trung ương. Tiếp đó, tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/ha và huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với cây trồng. Hiện tiền đã chuyển đến bà con nhằm mua giống gieo sạ. Riêng giống hoa màu như lạc, ngô… tỉnh đã chủ động tìm nguồn giống để cung ứng bà con tái SX.

Tác giả bài viết: Đắc Thành

Nguồn tin: NNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95384

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1753345

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14860948