Khống chế, tránh lây lan trên diện rộng và quản lý tốt thị trường thịt heo là những giải pháp cấp bách của Quảng Nam trong phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát.
Hạn chế lây lan Chăn nuôi heo nhỏ lẻ; cơ sở nuôi heo không đảm bảo an toàn sinh học; mầm bệnh tồn lưu, ổ dịch cũ phát sinh là những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi đang lây lan ở 6 địa phương Thăng Bình, Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.
Riêng Thăng Bình đã công bố dịch tả lợn châu Phi ở 6 xã Bình Tú, Bình Giang, Bình Lãnh, Bình Chánh, Bình Định Nam và Bình Định Bắc; các địa phương khác rải rác xuất hiện bệnh.
Bà Trà Thị Lý (thôn Châu Xuân, xã Bình Định Nam) cho biết, đàn heo của bà đã được tiêm phòng đầy đủ, gia đình chăm sóc kỹ lưỡng nhưng vẫn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi và chết. Lúc đầu heo có triệu chứng bỏ ăn, thân phát đỏ rồi sau đó tím tái khi chết.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, đến nay toàn xã có 9 con heo chết do dịch tả lợn châu Phi ở thôn Châu Xuân và An Lộc.
Những ngày gần đây, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng của huyện xét nghiệm heo nuôi và thông báo có dịch. UBND xã đã thành lâp tổ công tác, phân công chốt chặn trên địa bàn để tránh vận chuyển heo bị bệnh ra ngoài. Cán bộ thú y xã phun độc, khử trùng và tiêu hủy số heo chết.
“Chúng tôi mời các hộ giết mổ, buôn bán thịt heo thương phẩm trên địa bàn thông tin dịch bệnh, yêu cầu tuân thủ quy định chỉ được giết mổ khi heo xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi” - ông Việt nói.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, để tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan bùng phát, cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang nghiêm túc thực hiện giám sát dịch bệnh trên đàn heo nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới; tổ chức tiêu hủy heo bị bệnh và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Tại các địa phương, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vứt xác heo chết ra ngoài môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Đòng thời rà soát, thống kê, lập danh sách và kiên quyết không hỗ trợ đối với những cơ sở chăn nuôi tái đàn không đúng quy định.
“Chúng tôi giao Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi” - ông Húy nói.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh trước hết là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Vẫn còn tình trạng giấu dịch, đưa heo bệnh ra chợ bán, phát hiện heo bị bệnh nhưng không báo với cơ quan chức năng.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh, việc giết mổ, tiêu thụ thịt heo chưa được quản lý tốt. Không ít địa phương xảy ra tình trạng giết mổ heo tự phát, manh mún, không đưa vào cơ sở giết mổ tập trung theo quy định.
Kiểm soát thị trường
Theo quan sát trong ngày 28/3, các địa phương trên địa bàn tỉnh buôn bán thịt heo bình thường. Ở chợ Tam Kỳ - địa phương chưa có dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng có nhu cầu vẫn mua thịt heo sử dụng.
Các tiểu thương cho biết, người bán thịt heo ở chợ Tam Kỳ luôn thực hiện đúng quy định, tất cả thịt đang bán đã được đóng dấu kiểm dịch sau khi giết mổ tập trung ở phường Trường Xuân.
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh lây lan.
Chi cục chủ động xuất, cấp hóa chất nguồn dự trữ của tỉnh để xử lý khi phát sinh ổ dịch. Chi cục Chăn nuôi & thú y cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh để tránh trường hợp dịch tả lợn châu Phi lây lan và bùng phát do buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo bị nhiễm bệnh, heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đang phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan, địa phương để theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu thị trường thịt heo và các sản phẩm thịt heo để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Theo ông Tịnh, ngành quản lý thị trường đang theo dõi sát diễn biến nhập khẩu thịt heo, đặc biệt là từ các quốc gia, lãnh thổ đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi để kiểm soát, ngăn chặn xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh.
“Ngành quản lý thị trường đang thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình cung cầu thị trường đối với thịt heo không nhiễm bệnh.
Chúng tôi chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở 18 huyện, thị xã, thành phố kiểm soát lưu thông thịt heo, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt heo trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ” - ông Tịnh nói.