Quảng Nam sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai - 23/10/2023 02:06
VOV.VN - Mục tiêu của Đề án là triển khai một cách đồng bộ từ việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Quảng Nam sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quảng Nam sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đây là mục tiêu trong Đề án phát triển sâm Việt Nam  (sâm Ngọc Linh) đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành. Theo đó, địa phương này sẽ gắn việc sản xuất sâm Ngọc Linh với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, phát huy bản sắc, văn hóa bản địa tại địa phương

Cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia, là “Quốc bảo” của Việt Nam. Qua phân tích, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin, trong đó 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác. Qua kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm và dược lý lâm sàng, chứng minh sâm Ngọc Linh chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan; cải thiện, gia tăng sức đề kháng,…

Đề án sẽ góp phần khắc phục tình trạng phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh một cách nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết trong công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu của Đề án là triển khai một cách đồng bộ từ việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

Mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 05 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Phấn đấu 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP - WHO.

Quảng Nam cũng sẽ đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế. Thu hút từ 100 - 150 tổ chức đầu tư: Phát triển sản xuất sâm giống; trồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Xây dựng bảo tàng sâm Việt Nam tại xã Trà Linh nhằm giúp du khách thăm quan, tìm hiểu về sâm Ngọc Linh.

Hằng năm, Quảng Nam sẽ tổ chức giới thiệu “Văn hóa sâm” tại quận Hamyang - Hàn Quốc; Đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh đi trưng bày tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế; Mở Trung tâm giao dịch sâm Ngọc Linh tại Hàn Quốc.

Địa điểm thực hiện chương trình trên là huyện Nam Trà My và các huyện có điều kiện sinh thái phù hợp, trồng được cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Diện tích quy hoạch để phát triển trồng sâm ở Quảng Nam là hơn 15.500 ha. Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là khoảng 850 ha.

Tác giả bài viết: PV VOV/VN

Nguồn tin: Theo VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 22539

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2282933

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15390536