Tam nông chuyển biến mạnh mẽ

Thứ ba - 27/11/2018 21:44
Hôm qua 27.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW (ngày 5.8.2008) của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn (gọi tắt là tam nông).
Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh

Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh

Thành tựu lớn

Báo cáo tại hội nghị, ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, 10 năm qua lĩnh vực tam nông của cả nước có bước chuyển mạnh mẽ. Cụ thể, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi theo hướng tích cực. Xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành phong trào sâu rộng, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh được chú trọng đầu tư, thu nhập và điều kiện sinh sống của cư dân nông thôn ngày càng cải thiện. Qua thống kê, giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp cả nước đạt bình quân 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,9%/năm. Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản toàn quốc đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người cả nước tăng từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017...

Cần đổi mới các cơ chế, chính sách liên quan đến tam nông

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn tạo bước đột phá mới cho lĩnh vực tam nông, thời gian tới các bộ ngành ở Trung ương và chính quyền các cấp phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cần tập trung đổi mới các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trọng tâm là chính sách về đất đai và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời chú trọng việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất với quy mô lớn có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà nông với mục đích tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có đầu ra ổn định. Cạnh đó, cần xác định rõ định hướng và chính sách phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ ở nông thôn trong chiến lược phát triển của các ngành, địa phương. Tiếp tục vận động, hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM một cách toàn diện và đi vào chiều sâu, đảm bảo thực chất và cải thiện trực tiếp điều kiện sinh sống của cư dân nông thôn...

Đối với Quảng Nam, 10 năm qua, lĩnh vực tam nông của tỉnh cũng đạt nhiều thành quả quan trọng. Nổi bật là ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 4.000ha đất lúa sang sản xuất những loại cây trồng cạn chủ lực nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để hình thành những vùng sản xuất giống lúa và hoa màu theo phương thức hàng hóa tập trung, bao tiêu đầu ra sản phẩm với tổng diện tích hơn 6.000ha/năm. Theo thống kê, năm 2018 giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác của tỉnh đạt hơn 80 triệu đồng, tăng 43,94 triệu đồng/ha so với năm 2008.

Kinh tế nông nghiệp phát triển khá mạnh nên những năm qua đời sống của người dân ở khu vực nông thôn Quảng Nam cải thiện đáng kể. Nếu năm 2008 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn chỉ đạt 7,7 triệu đồng thì nay đã tăng lên hơn 28 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, từ 23,24% năm 2008 giảm xuống còn 9,28% vào cuối năm 2017. Trong khi đó, 8 năm qua lĩnh vực xây dựng NTM cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã thực hiện chương trình NTM trên địa bàn Quảng Nam là 13,51 tiêu chí/xã, tăng 10,9 tiêu chí/xã so với năm 2010. Thời gian qua, toàn tỉnh đã có 72 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và phấn đấu cuối năm 2018 sẽ có thêm 14 xã cán đích...

Nhiều trở lực

Ông Cao Đức Phát nhìn nhận, mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng việc phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên phạm vi toàn quốc vẫn thiếu ổn định. Ông Phát nói: “Nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp của cả nước thấp hơn mục tiêu 3,5 - 4% như Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đề ra. Trong khi đó, năng suất lao động trong khu vực kinh tế nông nghiệp mới bằng 41,57% năng suất lao động bình quân cả nước”.

Thời gian qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cải hoán tàu thuyền để nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cải hoán tàu thuyền để nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản. Ảnh: VĂN SỰ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá, khoảng cách chênh lệch về xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn và có tình trạng một số địa phương chạy theo phong trào, thành tích nên thiếu thực chất. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cũng như thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ, văn hóa – xã hội ở nông thôn, nhất là khu vực miền núi. Trong khi đó, dù có cải thiện đáng kể nhưng thu nhập của người dân nông thôn cả nước vẫn còn thấp, năm 2017 chỉ bằng 78% mức thu nhập bình quân toàn quốc.

Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm, chưa tạo được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tính liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ chưa cao nên khả năng cạnh tranh còn thấp. Khâu tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập và các cơ chế, chính sách liên quan đến tập trung, tích tụ đất đai chậm đổi mới, điều chỉnh nên chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhìn chung, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn còn hạn chế nên chưa tạo bước đột phá, nhất là trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng. Hạ tầng công nghiệp - dịch vụ nông thôn chưa đạt yêu cầu đề ra để thu hút lao động phi nông nghiệp, giảm lao động nông nghiệp. Ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ và chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có sản phẩm nổi bật mang tính hàng hóa...

Tác giả bài viết: VĂN SỰ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1506238

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12359863