Tân Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam: Hội cần thúc đẩy “nhu cầu đổi mới” của nông dân

Thứ hai - 31/05/2021 02:49
Ngày 29/5/2021, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã bầu đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018-2023). Cổng Thông tin điện tử Hội ND xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài phỏng vấn Tân Chủ tịch Lương Quốc Đoàn về một số nội dung công tác Hội trên cương vị mới do Tạp chí Nông thôn mới thực hiện.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại lễ nhậm chức

Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại lễ nhậm chức

Xin chúc mừng đồng chí tân Chủ tịch đã được Ban Chấp hành T.Ư Hội tín nhiệm rất cao. Xin đồng chí chia sẻ với cán bộ, hội viên nông dân cả nước một vài suy nghĩ trên cương vị người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân Việt Nam.

 

Qua Tạp chí Nông Thôn Mới, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và cán bộ các cấp Hội, hội viên nông dân trong cả nước đã tín nhiệm, gửi gắm lòng tin vào người đứng đầu Trung ương Hội. Tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình, để phát huy sức mạnh đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm và sáng tạo của các cấp Hội NDVN và của giai cấp Nông dân Việt Nam hoàn thành trọng trách được giao phó.
 

Thưa đồng chí Chủ tịch, trên cương vị mới, đồng chí nhìn nhận như thế nào về xuất phát điểm mới của Hội Nông dân Việt Nam?
 

Kế thừa và phát huy thành quả trong những năm qua, các cấp Hội trong cả nước đã có những đổi mới hết sức mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Trong đó, nổi bật là những thành quả trong đổi mới phương thức hoạt động Hội. Hoạt động Hội từng bước thực sự đi vào thực chất và mang lại lợi ích rõ ràng. Điều này thể hiện ở những kết quả ấn tượng trong các chỉ số phát triển nông nghiệp, đời sống nông dân, thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt trong sự ổn định chính trị – xã hội của nước ta. Nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế đất nước. Người nông dân – nhân vật trung tâm kiến tạo nên điều đó – dưới sự tập hợp, tổ chức của Hội Nông dân Việt Nam, đã không chỉ dừng lại ở vị trí “trụ đỡ” mà từng bước xây dựng “bệ phóng” cho ngành Nông nghiệp Việt Nam trên nền tảng mới đang dần được hình thành là tư duy kinh doanh nông nghiệp… Trong thành quả chung đó, có vai trò to lớn của giai cấp Nông dân nói chung và của Hội Nông dân Việt Nam nói riêng.
 

Để kiến tạo được những nền tảng vững chắc của tổ chức Hội hôm nay, có phần đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam trong từng thời kỳ. Tôi cảm thấy vinh dự khi được cùng với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội tiếp tục kế thừa sự nghiệp này, đồng thời cũng thấy rõ trách nhiệm nặng nề của cá nhân người đứng đầu tổ chức Hội trong giai đoạn mới của đất nước.
 

Trong những năm gần đây, phương thức hoạt động Hội có nhiều đổi mới rất tích cực. Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục xu hướng này như thế nào, thưa Chủ tịch?
 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề số 04, 05, 06 về tổ chức xây dựng Hội (năm 2020). Các nghị quyết đã xác định rõ những chủ trương, giải pháp để thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động Hội trong thời kỳ mới, và đã từng bước đạt được kết quả có ý nghĩa. Để phát huy những thế mạnh đang có và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đổi mới phương thức tổ chức hoạt động Hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần tập trung  vào một số việc sau:
 

Thứ nhất, dứt khoát phải làm thay đổi về cơ bản phương thức tập hợp nông dân. Trong những năm qua, chúng ta đã làm, nhận thức thấy rằng, đối với phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, phương thức tập hợp nông dân không thay đổi theo kịp, dẫn đến thực tế rõ ràng là tập hợp nông dân còn nhiều hạn chế. Việc triệu tập hội viên nông dân đến để tuyên truyền như cuộc họp thông thường trước kia đã thấy rõ những hạn chế. Nhu cầu người nông dân đã thay đổi, một số cấp Hội năng động đã xây dựng những mô hình có sức thu hút nông dân mạnh hơn. Nhưng nhìn chung trên cả nước, phải thẳng thắn thừa nhận công tác tổ chức, tập hợp nông dân của Hội chúng ta chưa theo kịp nhu cầu. Nhiều cơ sở Hội ở các địa phương, qua tổng kết công tác Hội, thấy rằng, mức độ tập hợp hội viên chỉ đạt 60-70% so với nông dân, thậm chí có nơi thấp hơn tỷ lệ này. Dứt khoát việc tập hợp nông dân cần phải thay đổi, đổi mới. Chúng ta đổi mới trên cơ sở phải sắp xếp lại các chi, tổ Hội, đặc biệt là phát triển chi tổ hội nghề nghiệp. Đó là việc trọng yếu hàng đầu trong công tác Hội hiện nay.
 

Thứ hai, phải tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa các câu lạc bộ (CLB) của Hội, như CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, CLB Nông dân tỷ phú, CLB Nông dân với pháp luật, CLB Nông dân với bảo vệ môi trường nông thôn… Chúng ta có rất nhiều mô hình câu lạc bộ của nông dân, phải phát triển, tập hợp nông dân trên cả các cơ sở đó, vì mỗi câu lạc bộ gắn với nhu cầu thiết thực của người tham gia.

 

Thứ ba, là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ theo hướng thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa. Trong đó, phải tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân về vật tư đầu vào, hợp tác với các doanh nghiệp uy tín cung cấp, giới thiệu, hỗ trợ cho nông dân có những sản phẩm, dịch vụ đầu vào đúng chất lượng, giúp cho nông dân tránh bị “thua” ngay từ đầu vào khi mua phải vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng. Điểm mới cần hướng đến là chất lượng hợp tác, cần đạt được sự bình đẳng và ổn định, đảm bảo quyền lợi cho hội viên nông dân với tư cách người tiêu dùng số lượng lớn.
 

Thứ tư, là tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho nông dân phát triển kinh tế. Thông qua hợp tác với các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ Nông dân để tập hợp nông dân, hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo và tuyên truyền vận động nông dân. Chúng ta tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vì nó đã được minh chứng tính hiệu quả cao, đã được Chính phủ, bộ ngành và các địa phương ghi nhận. Các tỉnh thành làm tốt việc phát triển Quỹ Hỗ trợ Nông dân đều là những địa phương tập hợp nông dân tốt, có chất lượng nông dân tốt hơn.
 

Và thứ năm, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình đi kèm với nhân rộng mô hình. Chúng ta xây dựng mô hình tốt, nhưng việc nhân rộng mô hình còn chưa tốt. Chúng ta cần làm tốt việc phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức nghề nghiệp để thu hút chuyên gia tham gia cùng với Hội, mới có thêm điều kiện nhân rộng, tuyên truyền rộng. Các mô hình này sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao tay nghề và năng suất lao động cho người nông dân rất hiệu quả, từng bước khắc phục dần điểm yếu về năng suất lao động của nông dân ta, vốn còn ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á.
 

Thưa Chủ tịch, mối quan hệ giữa Hội Nông dân và ngành Nông nghiệp hiện nay sẽ tiếp tục được phát huy như thế nào?
 

Chúng ta đã thấy rõ là ngành Nông nghiệp với nông dân không thể tách rời nhau.Văn kiện quan trọng Đảng và Nhà nước những nhiệm kỳ gần đây đã khẳng định: Nông dân là “chủ thể” trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới… Mới đây, ngày 19/5/2021 trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định một lần nữa, trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thì người nông dân là “Trung tâm”, nông thôn là “Nền tảng”, và nông nghiệp là “Động lực”.
 

Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rất rõ vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
 

Và khi người nông dân là trung tâm, thì tất yếu cần phải đầu tư tương xứng cho yếu tố “trung tâm”. Nông nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững, thì tất yếu phải chăm lo xứng đáng từ cái gốc của lực lượng sản xuất, chính là con người. Nông dân, trên góc độ là con người tư duy, cũng như những thành phần xã hội khác, không phải cứ nói là làm được ngay. Để có được kết quả mới, không thể vẫn giữ cách làm cũ, mà phải có giải pháp mới, được thay đổi từ gốc rễ của tư duy. Bắt đầu từ tầng nhận thức, hoạt động Hội cần tương tác để người nông dân nhận ra và có nhu cầu thay đổi ở mức sâu hơn ở tầng tiềm thức, nơi mà những thói quen tiểu nông, những phản xạ phòng vệ trước rủi ro vốn đã được hình thành ăn sâu qua nhiều thế hệ.
 

Thay đổi tư duy của người nông dân trong cách làm nông nghiệp tức là tháo dỡ những rào cản cố hữu về tư duy cũ, giải phóng năng lực con người từ bên trong. Khi làm được điều đó, người nông dân của chúng ta mới dễ dàng đón nhận những cơ hội lớn hơn mà cơ chế, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cùng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại mang lại. Đây là “dư địa” cho một cuộc cách mạng về năng suất lao động nông nghiệp của chúng ta trong tương lai gần.
 

Để phát triển được, người nông dân và ngành Nông nghiệp phải như “răng với môi”, gắn chặt chẽ với nhau, hợp tác với nhau, khai thác thế mạnh của nhau. Đó là điều rất rõ ràng. Và trách nhiệm của các bên là phải làm cho hợp tác này trở nên mạnh mẽ hơn, trong nhiều lĩnh vực hơn nữa. Sự hợp tác không chỉ riêng với ngành Nông nghiệp, mà với cả các bộ, ngành khác. Việc này không chỉ tốt cho Hội và nông dân, mà còn hỗ trợ các bộ, ngành làm tốt hơn vai trò của họ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao.
 

Thưa Chủ tịch, đồng chí từng đề cập đến trách nhiệm của Hội cần phải đứng ra tổ chức, tạo nhu cầu cho nông dân, từ đó họ chủ động, mạnh dạn đầu tư, liên kết hợp tác. Để làm tốt điều này, Hội cần phải tập trung vào những điểm nào?
 

Để làm tốt được việc này, Hội cần phải xây dựng các đề án để đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, huấn luyện người nông dân. Để người nông dân thực sự xứng đáng với vị trí “trung tâm” và vai trò “chủ thể”, để đại đa số người nông dân đổi  mới tư duy, đổi mới cách nghĩ cách làm, dứt khoát đầu tiên phải có bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, huấn luyện kỹ năng cần thiết. Một khi người nông dân chưa đủ kiến thức cần thiết và sự tự tin thì làm sao phát huy vai trò “chủ thể” được? Và nếu tổ chức Hội không đứng ra thì ai làm việc này cho nông dân? Đây là điểm mà Hội cần phải tập trung.
 

Nông dân chúng ta có những cá nhân rất giỏi, nhưng đại đa số thì vẫn nghèo, chính là vì chưa cải thiện được tầm nhìn, chưa thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách hợp tác liên kết để tạo ra giá trị lớn hơn. Để thay đổi tư duy cho đại đa số nông dân thì không thể áp dụng theo cách học trực tiếp những cá nhân xuất sắc được, mà cần phải có giải pháp tổ chức cung cấp thông tin, kiến thức, huấn luyện kỹ năng thực tế về mô hình kinh tế hợp tác, tham gia hợp tác xã, về tư duy kinh doanh nông nghiệp. Thông qua đó, người nông dân cùng nhau thấy rõ được nhu cầu và mục tiêu khả thi của mình ở những “đường chân trời” mới, từ đó mới chủ động thay đổi mà không cần quá nhiều lực đẩy từ bên ngoài.
 

Nói gọn lại, Hội phải đứng ra thiết lập, tổ chức tạo nhu cầu thay đổi của người nông dân, thúc đẩy người nông dân tiến nhanh về hướng nền nông nghiệp hàng hoá lớn. Đây chính là việc mà Hội cần hướng đến.
 

Hiện nay, “làn sóng thứ 4” của đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống hội viên nông dân nước ta. Tổ chức Hội có giải pháp hỗ trợ nông dân như thế nào, thưa Chủ tịch?
 

Trước hết, các cấp Hội cần phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời phải đạt được mục tiêu kép là chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế.
 

Với tổ chức Hội, trước hết phải phát huy thế mạnh tuyên truyền vận động tới cán bộ Hội, tổ chức Hội và hội viên nông dân.Thứ hai, các hộ nông dân nếu có con em, người thân học tập, công tác ở nước ngoài thì động viên họ thực hiện nghiêm pháp luật nhập cảnh và phòng chống dịch. Nông dân chủ động phát hiện, tố giác các hoạt động vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn các nguy cơ nguồn lây bệnh từ nước ngoài. Thứ ba, các cấp Hội tiếp tục động viên nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh, không vì sợ hãi quá mức mà đình trệ sản xuất. Và thứ tư, phải động viên nông dân bình tĩnh, không bi quan khi Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.Các cấp Hội phải nắm bắt kịp thời các diễn biến ở địa phương, để kịp thời hỗ trợ, hoặc có giải pháp, tham mưu cho cấp uỷ chính quyền địa phương và cho Hội cấp trên để có giải pháp kịp thời.
 

Về câu chuyện giúp nông dân tiêu thụ nông sản mùa vụ bị ùn ứ do đại dịch Covid-19, các cấp Hội cần phải có hoạt động hỗ trợ phù hợp, theo nguyên tắc từ hội viên nông dân, cấp Hội cơ sở đề nghị lên cấp trên và phải thực hiện theo kênh chính thống, có sự kết nối của cả hệ thống, không làm đơn lẻ, đảm bảo sản phẩm từ vùng dịch phải, kiểm dịch đầy đủ, an toàn… Thông qua những hoạt động này, các cấp Hội có thêm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc làm tốt quy hoạch ngành hàng, bao gồm cả việc bảo vệ các quy hoạch tốt đó, tránh việc phá vỡ quy hoạch dẫn đến khan hiếm hoặc dư thừa nông sản mùa vụ.
 

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí tân Chủ tịch!

Tác giả bài viết: HOÀNG SƠN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 95736

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1513278

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12366903