Thơm được mùa mất giá

Thứ tư - 17/01/2018 12:57
Người trồng thơm (dứa) ở hai huyện Đại Lộc, Nam Giang đang vào mùa thu hoạch thơm trái vụ, tuy được mùa nhưng giá thơm ở mức thấp, người nông dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Tấn Ngọc (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) bên trại thơm của mình.

Ông Bùi Tấn Ngọc (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) bên trại thơm của mình.

Gần một tuần qua, người trồng thơm huyện Đại Lộc, Nam Giang tranh thủ thu hoạch vụ thơm trái mùa. Phần lớn những trại thơm nằm xa so với điểm tập kết nên người dân phải dùng cộ để kéo ra. Có trại thơm phải dùng cộ kéo hơn 2 giờ đồng hồ, đường đi khó khăn hiểm trở.

Tuy thơm trái vụ năm nay được mùa nhưng cảnh mua bán không còn nhộn nhịp như những năm trước. Chỉ tay về phía trại thơm của mình, ông Bùi Tấn Ngọc (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) cho biết, năm 2011, gia đình ông đã chuyển đổi 2,5ha đất trồng keo sang trồng cây thơm. Những năm đầu, cây thơm phát triển tốt nên cho thu nhập rất cao. Trung bình 2,5ha thơm được mùa, trừ chi phí gia đình ông thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm. Nhưng 2 năm trở lại đây, thơm liên tục rớt giá nên nhiều người trồng thơm không còn mặn mà. Trước đây, một cộ thơm từ 250 đến 300 quả bán với giá gần 2 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 500 nghìn đồng. “Khi giá thơm còn cao, mỗi khi đến mùa thu hoạch, gia đình tôi đều thuê thêm lao động để kịp thu hoạch bán thơm cho thương lái. Nhưng 2 năm trở lại đây, hai vợ chồng tôi phải tự thu hoạch vì mượn người thu hoạch sẽ không đủ trả tiền công cho họ” - ông Ngọc nói. Ông Bh’nướch Sơn - Trưởng thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết, toàn thôn Hoa có khoảng 30ha đất trồng thơm. Nhờ cây thơm mà nhiều người thoát nghèo, đời sống kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây thơm rớt giá nên nhiều người dân gặp khó khăn.

Còn tại xã Đại Sơn (Đại Lộc), người dân cũng đang thu hoạch thơm để có tiền sắm tết. Ông Nguyễn Hai (trú xã Đại Sơn) cho biết, hơn 10 năm trồng thơm giúp kinh tế gia đình ông cải thiện đáng kể. Nhưng hiện nay giá thơm quá thấp, việc tiếp tục duy trì những trại thơm đối với gia đình ông cũng gặp khó khăn. Theo một số thương lái, nguyên nhân khiến thơm rớt giá là những năm trở lại đây thơm ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhập về với giá rất thấp nên thương lái cũng phải thu mua với giá thấp và chỉ mua những quả lớn với giá từ 2 đến 4 nghìn đồng/quả.

THANH THẮNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 23

Thành viên online : 1

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 16117

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2120643

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12974268