Nông thôn mới tạo sức bật mạnh mẽ cho làng quê. Từ nhà ra đồng, dấu ấn của nông thôn mới được xây nên bằng đóng góp của người ở làng, những nông dân hiện đại, để miền quê mình trở nên “đáng sống” hơn, từ việc làm giản đơn và thiết thực.
Hội viên nông dân và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Minh dọn vệ sinh bãi biển. Ảnh: THỰC HÂN
Xanh từ ngõ, sạch từ nhà
Ở lại với làng, hơn ai hết, nông dân là những chủ thể của nông thôn mới (NTM) trên chính quê hương mình. Suốt 14 năm qua, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội Nông dân (HND) các cấp trên toàn địa bàn tỉnh đã đồng hành với cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể, “là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM” như Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đã khẳng định.
Những việc làm giản dị nhưng thiết thực, gắn với tổ chức HND ở cơ sở được thực hiện ở từng ngõ xóm. Theo ông Lê Đình Thành - Chủ tịch HND huyện Thăng Bình, từng cấp hội ở xã, thôn đã có cách làm riêng, vừa cải tạo cảnh quan, môi trường, vừa làm đẹp không gian sống.
“Chúng tôi phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các hội đoàn thể đa dạng phương thức truyền thông, giáo dục nhận thức cho hội viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, trách nhiệm và những việc nông dân cần tham gia, cũng như lợi ích thiết thân đối với họ và gia đình khi xã đạt chuẩn NTM.
Hội viên nông dân toàn huyện đã tự nguyện chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, tường rào, cổng ngõ, xây dựng vườn mẫu, hiến hơn 16.000m2 đất, hơn 1.500 cây trồng và hơn 18.000 ngày công, đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa thôn và các công trình khác gắn với xây dựng NTM” - ông Lê Đình Thành nói.
Những “hàng cây nông dân”, mô hình “nông dân thu gom rác thải bảo vệ môi trường”, đường cờ, cùng các công trình khác do HND các cấp phát động đã tạo được cảm hứng tích cực cho cộng đồng.
Tự giữ cảnh quan cho gia đình mình và chung tay bảo vệ môi trường, làm đẹp cho không gian sống của làng, tổ đoàn kết... của các cấp HND giúp cho phong trào xây dựng NTM được triển khai thiết thực, gắn với đời sống thực tiễn từng vùng và đi vào thực chất, giảm hình thức.
Sự sáng tạo được tiếp nối, nhân rộng ở từng cơ sở, như mô hình “Ngày thứ Sáu của nông dân Tiên Phước”, “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của nông dân Phước Sơn, thu gom rác thải bờ biển do hội viên nông dân Núi Thành, Hội An triển khai hay “Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò” tại Tiên Sơn (Tiên Phước), Điện Quang (Điện Bàn)...
Đưa sản vật ra phố
Hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Nam lần thứ V được tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua ít nhiều khẳng định nỗ lực của HND tỉnh trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa của nông dân đến với thị trường.
Đại diện HND tỉnh cho biết, hội chợ vừa là dịp để trưng bày, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm giúp nông dân, các chủ thể OCOP của các địa phương, vừa góp phần làm thay đổi suy nghĩ, hành động từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Nông dân được “bắc một nhịp cầu” để tìm tới thị trường cho chính mình và ở phía ngược lại, đông đảo người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm chất lượng, sạch, giá thành hợp lý do chính nông dân xứ Quảng sản xuất và cung ứng...
Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch HND tỉnh nói, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp hội, hướng tới mục tiêu nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vai trò “chủ thể” trong tham gia xây dựng NTM của nông dân đã tạo ra được nhiều kết quả.
HND các cấp tập trung tuyên truyền, vận động thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho nông dân.
Ngoài ra, các cấp hội bắt đầu ứng dụng mạnh mẽ nền tảng mạng xã hội, duy trì các chuyên mục phát thanh, truyền hình nông dân để chuyển tải những chủ trương, cơ chế, chính sách, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng NTM đến với nông dân.
“Nông dân tự nguyện hiến đất, hiến cây cối vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng cho làng quê, chủ động cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, và hưởng ứng tích cực các phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xử lý chất thải nguy hại, ứng dụng cơ giới hóa, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Chúng tôi xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, “có điểm khởi đầu, chứ không có điểm kết thúc”. Công tác tuyên truyền, vận động sẽ được tiếp tục duy trì, triển khai mạnh mẽ hơn để nông dân phát huy được vai trò chủ thể, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng NTM” - bà Tâm chia sẻ.