Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 24/08/2021 19:37
Với chức năng tập hợp, vận động, giáo dục hội viên nông dân phát huy quyền làn chủ; tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và đời sống, vận động hội viên tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quảng Nam đạt được nhiểu kết quả trong xây dựng nông thôn mới

Quảng Nam đạt được nhiểu kết quả trong xây dựng nông thôn mới

        Hội Nông dân các cấp trong tỉnh luôn phát huy truyền thống quý báu của Hội và giai cấp nông dân Việt Nam, trung thành với sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam. Đến nay Hội Nông dân tỉnh quản lý và trực tiếp hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 115 tỷ đồng, qua đó giúp hàng chục ngàn lượt hộ có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt chi nhánh Quảng Nam giúp nông dân vay trên 2000 tỷ đồng phát triển kinh tế gia đình. Đến nay toàn tỉnh có trên 210 nghìn lượt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân bằng những việc làm cụ thể như: Hằng năm đào tạo nghề cho trên 2000 lao động nông thôn, cung ứng khoản 5000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm; trao tặng cây, con giống và các phương tiện sinh kế giúp nông dân nghèo thoát nghèo bền vững... Hội luôn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh xứng đáng là vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Làng quê Tam Thanh (Tam Kỳ) ngày càng khởi sắc

 
          Tuy nhiên, công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chưa được triển khai đồng đều. các mô hình mới, cách làm hay chưa kịp thời nhân rộng. Chất lượng hoạt động một số tổ chức cơ sở Hội chưa cao.
          Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VII (Khóa X) đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”. Điều đó cho thấy, nói đến vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nói tới một thành phần xã hội đóng vai trò chủ đạo, có vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp - nông thôn. Nói đến vai trò chủ thể của nông dân không hẳn nói đến từng cá thể đơn lẽ hay hộ nông dân biệt lập, mà cơ bản là nói đến một giai tầng xã hội, được tổ chức trong đoàn thể của mình, được thực hiện thông qua các hình thức kinh tế hợp tác giữa những người nông dân với nhau, giữa nông dân với các đối tác xã hội của nông dân như doanh nhân, nhà khoa học...Từ thực tiễn khách quan đó đòi hỏi các cấp Hội phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Nhều sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại các Hội chợ
 
          Một là, Phát huy vai trò, vị trí của Hội Nông dân làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước để hoạch định các chủ trương, chính sách trực tiếp cho sự phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Tổ chức Hội cần thể hiện rõ vai trò đại diện cho nông dân để có cách nhìn, cách đánh giá và lựa chọn hợp lý nhất các chương trình, đề tài nghiên cứu phù hợp với sự phát triển của nông dân. Đồng thời Hội cũng phải thường xuyên theo dõi, giám sát, phản biện để xem lại chủ trương, chính sách đó có mang lại hiệu quả thiết thực với nông dân hay không?. Để làm được điều này tổ chức Hội cần phải sâu sát, gắn bó mật thiết với nông dân theo phương châm “bám thôn, sát hộ, hiểu nông dân”.
          Hai là, Tập trung đổi mới tư duy nhận thức về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa nông sản, đảm bảo năng suất, chất lượng, tăng giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín và đảm bảo an toàn thực phẩm. Người nông dân phải hiểu được rằng, bằng nỗ lực vươn lên, thay đổi cách nghĩ, cách làm mới thoát nghèo bền vững. Bản thân tổ chức Hội hay các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn chỉ mang tính hỗ trợ, kích thích...Cần tăng cường phối hợp với các đoàn thể, hợp tác chặc chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển một cách toàn diên hơn.
          Ba là, Khắc phục việc sản xuất nhỏ lẽ, manh mún, bởi vì trong giai đoạn hiện nay, mọi hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản đều được tổ chức một cách chuyên nghiệp. Hội cần tập trung vận động, tuyên truyền cho bà con tiếp cận với kinh tế tập thể. Chỉ có liên kết với nhau tạo thành một khối vững chắc mới giảm thiểu được những rủi ro trong sản xuất cũng như tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tránh bị tư thương ép giá. Do đó, vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, nhu cầu liên kết giữa những người nông dân với nhau thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã kiểu mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao...đang trở thành những vấn đề cấp bách đặt ra phải được giải quyết để mở đường cho nông nghiệp, nông dân phát triển.
          Bốn là, Thường xuyên đổi mới và tổ chức các hoạt động của Hội Nông dân để tránh tình trạng rơi vào nhóm yếu thế, tránh tình trạng xây dựng nông thôn mới mà duy trì người nông dân cũ. Người nông dân phải có tư duy, nhận thức mới về vị trí, vai trò của mình, phải có kiến thức mới, trình độ khoa học công nghệ, trình độ kinh tế thị trường...Tiếp đó là vấn đề ý thức, văn hóa, quyết tâm mới để vươn lên. Có những cái đó mới có thu nhập cao, đời sống cao, mới có sức để giữ và phát triển nông thôn mới và để tiếp cận với nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, nói phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, không thể không nói đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân.
          Năm là, Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà xu hướng tất yếu là rút ngắn khoảng cách giữa các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Vì vậy sẽ không còn là người nông dân theo đúng nghĩa truyền thống, mà là người nông dân phải tăng về chất để ứng dụng những công nghệ cao vào các khâu tạo giống, cải tạo môi trường sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi, sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Do vậy, Hội phải tạo điều kiện cho chủ thể phát triển nông nghiệp trở thành thành viên của các loại hình kinh tế hợp tác sản xuất hàng hóa lớn hoặc chuyển sang công nghiệp, dịch vụ.
          Sáu là, cần phân tích, đánh giá cụ thể về việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, việc liên kết “4 nhà”; việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản cho nông dân. Xây dựng cơ chế, phương thức phù hợp để nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn mà không dẫn đến hoán đổi vị trí giữa chủ thể và đối tác, không đánh mất quyền làm chủ ruộng đất của người nông dân. Hội cũng cần xác định vị trí của mình, hướng đi nào để đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội; mối quan hệ giữa Hội và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế khác trong phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
          Để giải quyết được những vấn đề nêu trên căn cơ hơn trong thời kỳ hội nhập, cần được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các ban ngành, đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát huy những lợi thế về tiềm năng và thế mạnh của Quảng Nam để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng thành công nông thôn mới.

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN SUNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 17


Hôm nayHôm nay : 16720

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 144909

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 18325670