Triển lãm trưng bày thành tựu sản phẩm OCOP Quảng Nam: Cơ hội quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm

Thứ tư - 20/12/2023 00:52
Chiều mai (21/12), Sở NN&PTNT khai mạc triển lãm trưng bày thành tựu sản phẩm OCOP Quảng Nam năm 2023. Sự kiện diễn ra trong 3 ngày từ 21-23/12, tại Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ). Đây là cơ hội lớn để các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc quảng bá, kết nối đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Những ngày qua, HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) huy động nhân lực tập trung sản xuất, đóng gói sản phẩm thanh gạo lứt hạt và rong biển để kịp tham gia triển lãm. Ảnh: PV

Những ngày qua, HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) huy động nhân lực tập trung sản xuất, đóng gói sản phẩm thanh gạo lứt hạt và rong biển để kịp tham gia triển lãm. Ảnh: PV

Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho biết, đơn vị có 2 sản phẩm là gạo an toàn Ái Nghĩa và bánh tráng nhúng Đại Lộc đạt chuẩn OCOP 3-4 sao tham gia triển lãm lần này.

Những ngày qua HTX cử nhiều cán bộ, nhân viên tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đóng gói sản phẩm nhằm đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng tại triển lãm. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ kệ hàng, bàn ghế, pa nô, áp phích… để trang trí, giới thiệu sản phẩm một cách đàng hoàng, bắt mắt.

“Trong 5 năm qua, bên cạnh việc quan tâm đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì - mẫu mã…, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cũng chú trọng quảng bá giới thiệu 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chỉ tính riêng năm 2023, HTX chế biến, cung ứng ra thị trường toàn quốc 500 tấn gạo an toàn và 15 tấn bánh tráng nhúng, đạt doanh thu gần 8 tỷ đồng. Tham gia triển lãm lần này, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm của đơn vị mình nhiều hơn, đặc biệt là kết nối thêm nhiều đối tác tiêu thụ lớn…” - ông Cảm nói.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua Quảng Nam vẫn nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP. Từ năm 2018 đến nay, bình quân hằng năm ngân sách tỉnh chi khoảng 11-12 tỷ đồng cho chương trình này. Trong đó, chủ yếu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.

Đồng thời, thiết lập bao bì - mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm; tích cực hỗ trợ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, 5 năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành liên quan và chính quyền các cấp, đặc biệt là tinh thần nỗ lực vượt khó của các chủ thể sản phẩm nên việc thực hiện chương trình OCOP của Quảng Nam đạt thành quả lớn.

Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 392 sản phẩm với đa chủng loại, ngành hàng được xếp hạng OCOP, trong đó 61 sản phẩm 4 sao, 331 sản phẩm 3 sao. Với kết quả đó, Quảng Nam nằm trong tốp 10 tỉnh thành có số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhiều nhất.

“Đáng ghi nhận là, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, hầu hết sản phẩm của tỉnh đều tăng ít nhất 30% sản lượng tiêu thụ và doanh thu, thậm chí một số sản phẩm tăng gấp 2 lần” - ông Tấn chia sẻ.

Ông Võ Hưng - Phó Trưởng phòng Phát triển nông thôn của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, triển lãm trưng bày thành tựu sản phẩm OCOP Quảng Nam năm 2023 được tổ chức với quy mô 100 gian hàng, bố trí hơn 200 sản phẩm đạt chuẩn OCOP các hạng sao của hơn 100 chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số chủ thể sản phẩm OCOP ở TP.Đà Nẵng cũng vừa đăng ký tham gia trưng bày 2 gian hàng.

Ông Ngô Tấn cho biết, yêu cầu tại triển lãm lần này là các sản phẩm tham gia phải được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên; đa dạng về ngành hàng, mẫu mã, chủng loại phục vụ khách tham quan và các đơn vị thu mua để kết nối xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

“Mục đích của hoạt động là quảng bá sản phẩm OCOP của Quảng Nam, giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận nhiều loại sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhanh và bền vững.

Đồng thời giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất - kinh doanh là chủ thể OCOP của tỉnh gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường; kết nối cung cầu hàng hóa, đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối xuất khẩu ra thị trường nước ngoài” - ông Tấn nói

Tác giả bài viết: Mai Nhi

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 34284

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2266377

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15373980