Quế Sơn phát triển mạnh kinh tế vườn

Thời gian qua, bên cạnh sự tiếp sức từ nhiều phía, người dân huyện Quế Sơn nỗ lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn, mang lại hiệu quả cao, từng bước cải thiện cuộc sống.
Mô hình kinh tế vườn tổng hợp của ông Phạm Đình Nguyên ở thôn An Long (Quế Phong) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm
Trước đây, khu vườn của ông Phan Văn Huệ ở thôn Xuân Quê (xã Quế Long) cằn cỗi, cây tạp xâm lấn. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Huệ cải tạo lại khu vườn và trồng 2.000 choái tiêu trên diện tích 1ha.
Nhờ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và tập trung chăm sóc, vườn tiêu của ông Huệ phát triển rất tốt, ít bị nhiễm những loại sâu bệnh nguy hiểm. Năng suất tiêu bình quân đạt 2,5kg/choái. Với 2.000 choái, tổng sản lượng tiêu thu về đạt khoảng 5 tấn.
Ông chia sẻ: “Với lợi thế sản phẩm an toàn và có chất lượng tốt, tôi đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hồ tiêu Quế Sơn với mong muốn quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường, đồng thời hướng đến đạt chuẩn OCOP để nâng cao giá trị kinh tế”.
Ngoài trồng tiêu, ông Huệ còn trồng 2ha cây ăn quả, gồm 400 cây ổi, 100 cây sầu riêng, 150 cây mãng cầu, 200 cây bưởi da xanh, 50 cây mít, 50 cây chanh, 50 cây vú sữa… Hằng năm mô hình kinh tế vườn này cho mức lãi ròng khoảng 400 triệu đồng.
Khu vườn của ông Phạm Đình Nguyên ở thôn An Long (Quế Phong) rộng hơn 3.000m2. Trước đây, ông Nguyên trồng keo lá tràm nên giá trị kinh tế không cao. Hưởng ứng phong trào xây dựng vườn mẫu, được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng cùng với nguồn vốn tích cóp bấy lâu, năm 2018 ông Nguyên cải tạo vườn tạp, quy hoạch và phân khu chức năng để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng.
Ông Nguyên đào ao thả nuôi cá điêu hồng và cá trắm cỏ trên diện tích 700m2, trồng bưởi da xanh, quýt đường, thanh long ruột đỏ, măng cụt, dừa xiêm, chuối… trên diện tích gần 2.000m2. Ông còn trồng hàng trăm cây cau và tận dụng vườn rộng thả nuôi bồ câu, gà, vịt.
 “Qua 3 năm xây dựng vườn mẫu, tôi thấy hiệu quả rất khả quan. Riêng năm ngoái, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế vườn tổng hợp này đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Hơn nữa, khu vườn còn tạo cảnh quan trong lành và cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào cho gia đình” – ông Nguyên nói.
Qua thống kê hiện nay trên địa bàn huyện có 6.444 khu vườn với quy mô vừa và lớn. Trong đó, số vườn đã và đang cải tạo, chỉnh trang là 5.363 vườn.
Những năm gần đây, nhờ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nên hiệu quả kinh tế vườn nâng lên đáng kể. Đến thời điểm này, toàn huyện có 1.986 vườn cho mức thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/vườn/năm và 333 vườn cho giá trị từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/vườn/năm.
Kinh tế vườn trên địa bàn huyện có bước phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Tác giả bài viết: HND huyện Quế Sơn

Nguồn tin: HND huyện Quế Sơn