Giảm nghèo từ kinh tế cộng đồng

Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo nhóm cộng đồng từ chương trình giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, người dân huyện Nam Trà My đã và đang từng bước thoát nghèo bền vững.
Với sự hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nhiều hộ dân ở huyện Nam Trà My từng bước có thu nhập ổn định, thoát nghèo.
Với sự hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nhiều hộ dân ở huyện Nam Trà My từng bước có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai từ tháng 7.2014 đến năm 2019 với 6 tỉnh trong khu vực Tây Nguyên được tham gia. Mục tiêu của dự án là cải thiện cơ hội sinh kế cho các cộng đồng nghèo vùng dự án, trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp cho khoảng 540 nghìn người hưởng lợi từ dự án; có ít nhất 20% người nghèo hài lòng về các ưu tiên phát triển đã được dự án đáp ứng; tiêu dùng lương thực và phi lương thực của các hộ hưởng lợi tăng tối thiểu 10%; ít nhất 20% hộ nghèo được tiếp cận các loại hình dịch vụ, tiện ích và cơ sở hạ tầng... Tại huyện Nam Trà My, bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, trường học, nước sạch, dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên còn giúp bà con 5 xã gồm Trà Mai, Trà Vân, Trà Don, Trà Vinh và Trà Nam phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi dê, heo, gà, vịt...; trồng sâm nam, lúa nước, chuối... Bước đầu, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho những hộ dân được hưởng lợi.

Trà Don là một xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nằm cách xa trung tâm huyện, do kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ nên kinh tế còn chậm phát triển. Hiện toàn xã có 423 hộ nghèo chiếm 78%, cận nghèo 91 hộ chiếm 22% dân số. Việc xóa đói giảm nghèo luôn là vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương. Từ khi được thụ hưởng từ dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nhiều hộ dân ở xã Trà Don đã từng bước cải thiện được kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình anh Nguyễn Xuân Thảo (thôn 2, xã Trà Don) là một hộ nghèo khó nhất trong xã. Sau khi được dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên lựa chọn hỗ trợ heo giống có chất lượng tốt, sau hơn một năm tiếp nhận, chăn nuôi, đến nay đàn heo đã sinh sản, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình anh. “Nhờ có sự hỗ trợ thiết thực từ dự án, gia đình tôi có nguồn vốn để tạo sinh kế và từ đó có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Khi tổ chức thực hiện, cán bộ dự án đã xuống tận nhà động viên, hướng dẫn gia đình thực hiện, nhờ vậy mới có hiệu quả đáng mừng như hiện nay” - anh Thảo cho biết.

Năm 2016, tiểu dự án chăn nuôi heo tại thôn 2 và thôn 3 xã Trà Don đã cấp 90 con heo cho 30 hộ dân, qua chăm nuôi đã đem lại kết quả rất khả quan. Thông qua việc triển khai tiểu dự án, các hộ dân thấy được tầm qua trọng của khoa học kỹ thuật khi áp dụng chăn nuôi. “Từ khi được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi có thêm được nguồn thu nhập ổn định. Các hộ trong nhóm cộng đồng với tôi cũng đã phát triển rất tốt, ai cũng phấn khởi” - ông  Vân nói. Gia đình ông Vân là một trong những hộ được cấp giống vịt và hướng dẫn cách chăm sóc. Qua một thời gian, đàn vịt đã sinh sản được nhiều con, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho cả nhóm hộ này. “Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, là tiền đề giúp người dân có sinh kế để thoát nghèo bền vững. Đồng thời dự án đã gắn kết đồng bào đoàn kết, cùng tương trợ, giám sát và giảm rủi ro trong quá trình đổi mới mô hình sinh kế” - chị Trần Thị Cúc - Phó Trưởng ban Phát triển xã Trà Don, thuộc dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên của huyện Nam Trà My, chia sẻ.

PHƯƠNG THUẬN - NGỌC SÁNG