Hiệu quả mô hình nuôi dê

(QNO) - Mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Tấn Trãi (38 tuổi, thôn 4, xã Bình Triều, Thăng Bình) thời gian qua đã mang lại tín hiệu tích cực và được địa phương đánh giá cao.
Anh Trãi bắt tay vào nuôi dê được 2 năm nay. Ảnh: HỒ QUÂN

Trở về địa phương sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh Trãi bôn ba khắp nơi làm nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, đời sống gia đình vẫn khá bấp bênh. Hai năm trước, tình cờ ghé thăm họ hàng tại xã Bình Dương (Thăng Bình), anh bị thu hút bởi mô hình nuôi dê chuồng trại ở đây.

Sau khi hội ý cùng gia đình, anh quyết định đầu tư gần 40 triệu đồng để làm chuồng trại và mua 7 con dê giống để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, vì chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như phương pháp nuôi nên lứa đầu tiên thường xuyên bị chết do dịch bệnh.

Không nản lòng, anh Trãi tiếp tục mày mò, nghiên cứu phương pháp nuôi dê sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Anh nhận thấy loài dê thường sống theo đàn, thích tự do kiếm ăn, phù hợp với vùng đồng bằng, đất cát rộng, vì vậy quyết định nuôi theo cách chăn thả. Với cách này, ngoài việc đỡ tốn thời gian chăm sóc thì dê có thể tránh được dịch bệnh so với nuôi nhốt chuồng. Bên cạnh đó, thức ăn của dê cũng rất đơn giản như rau, cỏ, lá cây nên không khó để dê tìm kiếm.

“Mỗi ngày chỉ cần thả đàn dê ra đồng cho chúng kiếm ăn 3 - 4 tiếng đồng hồ, khi no chúng sẽ theo đàn tự về chuồng, không cần cất công đi tìm thức ăn mà dê vẫn đảm bảo sức khỏe. Dê rất sợ nước và đặc biệt là không ăn lúa nên yên tâm thả ngoài đồng ruộng” - anh Trãi cho biết.

Theo anh Trãi, mùa nắng, đồng nhiều rau, lá nên chăn dê rất khỏe. Tuy nhiên vào mùa mưa thì khá khó khăn vì dê không ăn được thức ăn ẩm ướt, dễ bị dịch bệnh nên thường thả những nơi khô ráo hoặc dự trữ sẵn thức ăn. Nuôi dê theo mô hình này vừa nhàn, vừa vui, lại có thời gian làm thêm nhiều việc khác.

Nuôi dê theo phương pháp thả rông giảm thiểu thời gian chăm sóc và ngăn dịch bệnh. Ảnh: Quân Hồ
Dê không ăn lúa nên anh Trãi yên tâm chăn thả ngoài đồng. Ảnh: HỒ QUÂN

Sau gần 2 năm áp dụng phương pháp nuôi chăn thả, đàn dê của anh Trãi đã phát triển ổn định và đạt hiệu quả cao. Từ khâu chăn đàn, nhân giống hay tiêm thuốc phòng bệnh cho dê đều do một tay anh thực hiện. Hiện tại đàn dê của anh có 30 con, lúc đông nhất lên đến 50 con. Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa dê giống sinh sản được 1 - 2 con và phát triển rất nhanh, chỉ sau 6 tháng có thể đạt 25 - 30kg.

Thu nhập từ bán thịt dê đảm bảo cho gia đình anh cuộc sống ổn định, không còn bấp bênh như trước. Theo anh Trãi, thịt dê đang được thị trường Quảng Nam ưa chuộng. Vào mùa nắng có thể lên đến 140 nghìn đồng/kg thịt dê. Nhiều thương lái thường xuyên ghé nhà anh hỏi mua nhưng đôi lúc đàn dê không đáp ứng kịp đầu ra.

Ngoài việc tự mày mò tìm kiếm, anh thường xuyên đi nhiều nơi học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với những trang trại nuôi dê trên địa bàn để mở rộng mô hình trong tương lai. Anh Trãi chia sẻ: “Mới nuôi được 2 năm nên mọi thứ tuy đang thành công nhưng chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Hiện tại tôi đang gầy đàn để tăng số lượng dê giống. Trong thời gian tới sẽ phát triển đàn dê ở mức ổn định, đảm bảo lượng thịt cho thị trường”.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Triều cho biết: “So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nuôi dê ở vùng đồng bằng như Bình Triều sẽ không hiệu quả bằng. Nhưng hướng đi hiện tại của anh Trãi là hoàn toàn mới, điển hình cho tấm gương nông dân vươn lên thoát nghèo. Nếu biết phát huy tốt, có đầu ra ổn định và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, mô hình của anh Trãi sẽ thành công trong tương lai”.

HỒ QUÂN