Tam Kỳ phát triển kinh tế nông nghiệp: Hướng đến sinh thái, công nghệ cao

TP.Tam Kỳ rất quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhiều cơ chế, chính sách được thành phố đưa ra nhằm tạo cú hích cho nền nông nghiệp, nâng cao giá trị dựa trên công nghệ cao theo hướng sinh thái, thông minh.
Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Tam Kỳ. Ảnh: A.Sắc
Những bước chuyển tích cực

Tam Kỳ là thành phố nhưng đất nông nghiệp chiếm đến gần 50% diện tích tự nhiên và lao động nông thôn chiếm 25% dân số. Thế nên, phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được địa phương quan tâm, từ việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ đến đồng hành với nông dân trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Theo báo cáo của UBND thành phố, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, địa phương cũng đã đầu tư gần 240 tỷ đồng cho các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, xác định mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2022 - 2025 đạt 4%/năm trở lên, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt trên 137 triệu đồng/ha/năm; hình thành mới ít nhất 4 chuỗi giá trị nông sản; phát triển kinh tế vườn gắn du lịch làng quê, sản xuất hoa, cây cảnh; có 3 sản phẩm làng nghề tham gia OCOP đạt 3 sao trở lên; thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho ít nhất 4 dự án chế biến nông sản gắn với vùng sản xuất tập trung.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thành phố đưa ra cơ chế hỗ trợ từ 50% đến 100%, bao gồm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, cơ giới hóa, giống, vật tư thiết yếu, trang thiết bị, mặt bằng kinh doanh… Tổng nguồn vốn hỗ trợ giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến hơn 70 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư cho làng nghề 50 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, với sự quan tâm đầu tư này, thời gian qua kinh tế nông nghiệp Tam Kỳ đã có những bước chuyển biến tích cực.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành được nhiều mô hình hiệu quả, có thế mạnh của từng vùng, tiêu biểu như vùng rau an toàn Thọ Tân (Tam Ngọc), rau thủy canh nông nghiệp công nghệ cao Trường Xuân, cây ăn quả Tam Ngọc, An Phú, các mô hình trồng nấm giá trị kinh tế cao như Hợp tác xã Nấm đông trùng hạ thảo Tam Phú hay Hợp tác xã Nấm công nghệ cao miền Trung.

Hiện địa phương có 14 sản phẩm từ nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP, triển khai được 2 chuỗi giá trị thịt gà và nước mắm, qua đó hình thành các kênh tiêu thụ.

Thành phố cũng đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm rau sạch Trường Xuân, nước mắm Tam Thanh; chiếu cói Thạch Tân; hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký cho sản phẩm nước mắm làng Bích Họa, nén An Phú, yến sào Bảo Trân.

Hướng đến công nghệ cao

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nông dân được nâng lên, song theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, nông nghiệp, nông thôn của thành phố vẫn còn mang tính sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ, phát triển chưa bền vững, năng suất, chất lượng chưa cao.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, việc huy động doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, nhiều vùng còn sản xuất độc canh cây lúa…, vì vậy chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển.

“Cần chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao, bền vững, từng bước hình thành những vùng sản xuất trọng điểm, thế mạnh tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân nông thôn” - ông Nam nói.

Vừa qua, TP.Tam Kỳ ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài việc tiếp nối các công việc còn dang dở của giai đoạn trước đó, trong đề án lần này, thành phố “đổi mới tư duy” khi định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với khoa học công nghệ, hướng đến nông nghiệp sinh thái thông minh, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Theo ông Nam, mục tiêu là ưu tiên những sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương và nhu cầu của xã hội; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, khởi nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng làng nghề và kinh tế vườn theo hướng du lịch sinh thái.

 

Tác giả bài viết: ANH SẮC

Nguồn tin: Báo Quảng Nam