Hướng dẫn cơ cấu giống và lịch thời vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 nhằm hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, nhất là việc bố trí thời vụ, cơ cấu giống cây trồng và các biện pháp canh tác. Nội dung hướng dẫn cụ thể như sau:

I. SẢN XUẤT LÚA VỤ ĐÔNG XUÂN 

1. Thời vụ và cơ cấu giống

Bố trí lúa trổ từ ngày 20/3 đến ngày 05/4/2022, trổ tập trung từ ngày 25/3 đến ngày 31/3/2022, thu hoạch xong trước 05/5/2022. Tuỳ theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, bố trí lịch gieo sạ cụ thể như sau:

- Nhóm giống chủ lực: Cơ cấu khoảng 60 % diện tích. 

+ Những giống có TGST dưới 105 ngày gồm các giống HT1, HN6 và Bắc Thịnh: gieo sạ từ 05/01 - 10/01/2022. 

+ Những giống có TGST từ 105 - 115 ngày gồm các giống Thiên ưu 8, TBR225 và ĐT100: gieo sạ từ 30/12/2021 - 05/01/2022. 

- Nhóm giống bổ sung: Cơ cấu khoảng 30 % diện tích. 

+ Những giống có TGST dưới 105 ngày gồm các giống KD18, PC6, ĐV108 và Hương Châu 6: gieo sạ từ ngày 05/01 - 10/01/2022. 

+ Những giống có TGST từ 105 - 115 ngày gồm các giống BC15, Hà Phát 3, Đài Thơm 8, và VRN20: gieo sạ từ 30/12/2021 - 05/01/2022.

- Nhóm giống triển vọng: Cơ cấu khoảng 10% diện tích. 

Tùy theo thực tế sản xuất thử ở các địa phương, có thể bố trí sản xuất các giống sau: QS88, QS447 (TGST dưới 105 ngày), Sơn Lâm 1, ND502, ML232, ĐH12, VRN10, DCG66, PN99, Q.Nam9, QB19 (TGST từ 105 - 115 ngày). 

Khi người dân sản xuất những giống triển vọng mà những giống đó chưa được công nhận lưu hành chính thức thì phải thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý cung ứng giống để bảo đảm có thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng khi cần thiết. 

* Tỉnh chủ trương không sử dụng giống dài ngày (trên 115 ngày). Các huyện miền núi cao và một số địa phương người dân vẫn còn tập quán dùng giống dài ngày như IR17494 (13/2), Xi23 bố trí gieo sạ từ ngày 25 - 30/12/2021 hoặc bắc mạ để cấy, cho lúa trổ theo lịch nói trên. 

* Đối với các giống lúa lai, lúa nếp, tùy vào nhu cầu của địa phương, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống mà bố trí theo lịch thời vụ trên để gieo sạ. 

2. Những nội dung cần lưu ý 

a. Áp dụng gói kỹ thuật “1 phải 5 giảm” để tăng hiệu quả sản xuất lúa, hạn chế ô nhiễm môi trường, trong đó chú ý: 

- Lượng giống sạ (cho 01 sào): Sạ hàng: 1,0 - 1,2 kg (lúa lai); 2,0 - 2,5 kg (lúa thuần). Sạ vãi: 2,0 - 2,5 kg (lúa lai); 3,0 - 3,5 kg (lúa thuần). 

- Giảm lượng phân hóa học hợp lý: Tăng lượng phân chuồng, phân hữu cơ, giảm phân đạm.

Lượng bón 8 - 10 kg urê/sào đối với giống ngắn ngày, 10 - 12 kg urê/sào đối với giống dài ngày và lúa lai (lượng urê trên đã bao gồm quy đổi lượng đạm của các loại phân khác); tập trung bón ở lần thúc 1 và 2, bón đòng không vượt quá 2 kg urê/sào. 

- Giảm sử dụng thuốc BVTV: Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và có biện pháp xử lý thích hợp; đặc biệt, lưu ý phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, nhất là trên các giống nhiễm nặng. 

- Tưới nước tiết kiệm: Các công trình thủy lợi không cấp nước tưới cho làm đất đầu vụ. Cần đắp bờ giữ nước mưa để làm đất, gieo sạ. Vào vụ, thực hiện tưới “ướt - khô xen kẽ” giúp đất thông thoáng, rễ lúa ăn sâu, huy động tốt dưỡng chất, chống đổ ngã và tiết kiệm nước.

Cách tưới “ướt - khô xen kẽ” như sau: Giữ đủ nước (2 - 3 cm) từ mọc mầm đến bón thúc lần 1, sau đó để ruộng tự khô và tưới lại trước khi bón thúc lần 2, sau đó tiếp tục để ruộng tự khô đến khi nứt chân chim thì cho nước vào ruộng từ 3 - 5 cm, tiếp tục làm như vậy cho đến khi lúa làm đòng. Từ lúc làm đòng, giữ nước thường xuyên trong ruộng đến lúc vào chắc. Rút nước để khô ruộng trước khi gặt 10 ngày, vừa hạn chế đổ ngã, lại dễ thu hoạch. 

b. Lưu ý nhược điểm của một số giống lúa:

- Các giống BC15, IR17494, Thiên ưu 8, TBR225: Dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn trong vụ Đông Xuân, cần chủ động phát hiện để phòng trừ bệnh sớm; bón phân cân đối, hạn chế bón phân urê trên những chân ruộng xanh tốt. 

- Các giống BC15, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, VRN20, HN6: Mẫn cảm với thời tiết rét lạnh, trổ gặp mưa. Cần bón phân cân đối, tăng cường bón phân chuồng, kali để giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu.

- Các giống HT1, Bắc Thịnh dễ bị nhiễm rầy, cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp quản lý hợp lý. 

II. CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT LÚA 

1. Đối với những vùng bấp bênh có nguy cơ thiếu nước tưới

Cần thực hiện triệt để việc chuyển đổi sang một số cây trồng cạn như: ngô non, cỏ (làm thức ăn gia súc); mè, lạc, các loại đậu đỗ (đậu xanh, đậu đen,.. ), sắn...để tăng hiệu quả sản xuất và giảm lượng nước tưới.

2. Đối với các vùng khác

Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng cạn để có hiệu quả cao hơn. Để chuyển đổi, cần tổ chức họp bàn với nông dân thống nhất đăng ký kế hoạch với huyện để thực hiện:

- Liên kết để tạo thành cánh đồng lớn với diện tích sản xuất liền vùng, có điều kiện tương tự để chuyển đổi sản xuất cùng một loại cây trồng. Lưu ý, cần có hệ thống tiêu nước phòng khi gặp mưa lớn. 

- Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với doanh nghiệp, cơ sở chế biến.

- Khuyến khích chuyển đổi sang mè, lạc, ngô, đậu đỗ, cây rau, quả thực phẩm, cây dược liệu theo hợp đồng liên kết sản xuất. Có thể thực hiện các công thức luân canh: 

˅ Lạc (Đông Xuân) - Ngô (Hè Thu).

˅ Ngô/hoặc Rau quả (Đông Xuân) - Đậu xanh/hoặc Mè (Xuân Hè) - Ngô (Hè Thu). 

* Giới thiệu một số giống lạc, ngô cho năng suất cao trong sản xuất: 

» Giống lạc: LDH01, L14, L23, TB25. 

» Giống ngô: ngô nếp HN88, CX247, MX10, ngô tẻ DK6919, CP333, PAC999. 

III. SẢN XUẤT THEO HƯỚNG AN TOÀN 

Để sản xuất tạo ra sản phẩm trồng trọt an toàn, cần tuân thủ một số giải pháp kỹ thuật sau:

- Vệ sinh đồng ruộng, làm đất đúng kỹ thuật, không được dùng thuốc trừ cỏ nhóm không chọn lọc (thuốc khai hoang) để trừ cỏ trên ruộng lúa, màu, bờ ruộng, mương. 

- Phân bón, nước tưới: Tăng cường bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục; chỉ sử dụng các loại phân vô cơ, phân vi sinh trong danh mục phân bón của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, sử dụng đúng theo qui trình kỹ thuật. Không bón thừa đạm, không bón muộn (riêng đối với cây rau ăn lá phải kết thúc bón trước thu hoạch 10 - 15 ngày). Hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích sinh trưởng, điều hòa sinh trưởng. Không sử dụng phân tươi, nước ô nhiễm để tưới cho cây rau. 

- Về quản lý dịch hại: Áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM),…Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, khi sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng”. 

Riêng đối với cây rau, chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục sử dụng cho cây rau khi thật cần thiết; ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc. Khi thu hoạch rau phải đảm bảo đủ thời gian cách ly của các loại phân bón và thuốc BVTV đã sử dụng. 

- Việc thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, bảo quản nông sản phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tránh bị hư hỏng, dập nát, nhiễm bẩn.

Ngoài ra, để giảm lượng phân hóa học bón trên đồng ruộng và hạn chế ô nhiễm môi trường sống, nên tận dụng các phế phụ phẩm như rơm, rạ sau thu hoạch, lá cây, dây đậu hoặc bèo lục bình...ủ với các chế phẩm sinh học (Emic, Trichoderma...) để tạo thành phân bón, bón cho cây trồng./.


Tác giả bài viết: Ban biên tập Sở NN&PTNT

Nguồn tin: Sở NN&PTNT