Những ai dễ mắc sốt xuất huyết?

Chuyên gia đưa ra lời khuyên trong bối cảnh số ca mắc xuất huyết tăng mạnh tại nhiều tỉnh, thành.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue. Virus Dengue có tới 4 chủng huyết thanh gây bệnh, được đặt tên thứ tự là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Theo BS Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, virus Dengue không thể lây trực tiếp từ người sang người mà qua đường hô hấp như nói chuyện, ho, hắt hơi hay qua các tiếp xúc như ôm hôn, bắt tay. Ngay cả khi bạn quan hệ tình dục cũng không khiến cho virus lan truyền.

Con đường lây lan của chúng được thực hiện thông qua vật trung gian là muỗi cái Aedes aegypti. Loại muỗi này có thể được nhận dạng qua màu sắc đen có đốm trắng ở thân, bởi vậy mọi người hay gọi là muỗi vằn.

Bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt. (Ảnh minh họa)

Bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt. (Ảnh minh họa)

Khi đốt những người bị bệnh, muỗi cái Aedes aegypti sẽ trở thành đối tượng mang mầm bệnh. Vì vậy, từ vài người bị bệnh ban đầu, dịch bệnh khả năng lây lan trong cộng đồng là rất cao.

Bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Đặc biệt, virus Dengue có tới 4 type nên khi mắc bệnh, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm không phải một mà nhiều lần, thậm chí 4 lần với 4 type khác nhau. Hơn nữa, nếu mắc những lần sau, mức độ bệnh có thể nặng hơn bởi vì hai tuýp virus khác nhau khiến cơ thể tồn tại hai kháng thể không giống nhau, dẫn tới phản ứng mạnh hơn, kéo theo các nguy cơ như tăng xuất huyết thành mạch hoặc trụy mạch, choáng váng.

Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Tác giả bài viết: Thanh Hải

Nguồn tin: VTC.VN