Đại Lộc chủ động trồng tre giữ đất

(QNO) - Để đối phó tình trạng sạt lở, xói mòn đất ven sông đang diễn ra phức tạp, trong khi chờ cấp trên đầu tư các công trình thì chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc đã chủ động trồng tre giữ đất.
Khu vực đất ven sông ở Đại Lộc phần lớn đã được trồng tre ngăn sạt lở. Ảnh: PHAN VINH
Cả làng trồng tre

Thường ngày chăn bò ở dải đất ven sông, ông Cao Văn Sang (64 tuổi, thôn 10, xã Đại Cường, Đại Lộc) đều tranh thủ múc nước tưới hàng tre dân làng mới trồng hồi sau Tết Nguyên đán, khi đó ông cũng tham gia trồng.

“Gia đình tôi đang canh tác 6 sào đất hoa màu ở khu vực giáp với bờ sông. Trồng tre để ngăn chặn tình trạng sạt lở, sông chảy làm xói mòn bờ sông ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là vào mùa lũ lụt. Nhiều năm trước, hàng tre lâu đời, vững chắc có thể cầm cự, giữ vững bãi đất này qua đến 2 - 3 đợt lũ. Chính vì hiệu quả như vậy nên năm nào cả làng chúng tôi cũng cùng nhau trồng hết lớp tre này đến lớp khác” - ông Sang nói.

Nhiều hộ và nhóm hộ dân đã đăng ký nhận công trồng và chăm sóc tre quanh năm. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều hộ và nhóm hộ đăng ký nhận công trồng và chăm sóc tre quanh năm. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường, những năm qua, được sự chỉ đạo từ cấp trên, địa phương đã phát động phong trào trồng tre ở nhiều khu vực ven sông bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Cụ thể là tại các thôn 8, 9, 10, Quảng Đại 1 và Quảng Đại 2, bởi Đại Cường có vị trí rất đặc biệt khi nằm ở giữa 2 dòng sông Vu Gia và Thu Bồn, lưu lượng nước mùa mưa đổ về rất lớn.

“Chuyện trồng tre giữ đất có từ rất lâu đời trong nhân dân. Và cho đến nay, khi địa phương phát động thì đông đảo người dân hưởng ứng tham gia, “đội quân” trồng tre lên đến hàng trăm người. Hiệu quả mang lại rất rõ ràng, đặc biệt năm 2017 trải qua nhiều đợt lũ lụt, nhiều địa phương trong huyện bị sạt lở nặng tới gần 20ha nhưng Đại Cường chỉ có 1ha” - ông Phương cho biết.

Hiệu quả lâu dài

Theo thông tin từ UBND huyện Đại Lộc, không riêng xã Đại Cường mà những địa phương có dòng sông chảy qua như xã Đại Hòa, Đại Minh, Đại Phong, Đại Thạnh cũng phát động phong trào trồng tre ngăn sạt lở, xói mòn. Trong đó, Đại Cường và Đại Thạnh là 2 địa phương thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả nhất. Chỉ tính riêng năm 2017, trên địa bàn huyện Đại Lộc ước tính đã có hơn 1.000 móng tre được trồng trên gần 10km đất ven sông.

Hiệu quả từ việc trồng tre ngăn sạt lở rất cao nên thời gian tới, huyện Đại Lộc tiếp tục mở rộng diện tích và nâng cao số lượng móng tre được trồng. Ảnh: PHAN VINH
Đại Lộc tiếp tục mở rộng diện tích và nâng số lượng móng tre được trồng. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trồng tre ngăn sạt lở là chỉ đạo trước mắt của UBND tỉnh trong khi chờ kinh phí triển khai kè cứng các điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, dù là biện pháp tạm thời nhưng việc trồng tre trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả vô cùng lớn. So sánh ở các địa phương có triển khai trồng tre, diện tích đất bị sạt lở ăn mòn, mất trắng rất thấp so với những địa phương không triển khai. Ví dụ, tại xã Đại Hồng vì không thể trồng tre trên đất nà nên mỗi năm địa phương này bị sạt lở hàng chục héc ta đất canh tác ven sông ở các thôn Hà Vy, Dục Tịnh, Đông Phước... Trong khi đó, ở những xã có triển khai phong trào trồng tre thì thiệt hại rất thấp, chỉ vài héc ta.

“Việc trồng tre còn giúp tiết kiệm chi phí. Nếu kè cứng 1km thì kinh phí mất gần 20 tỷ đồng, nhưng trồng tre thì dựa vào điều kiện trong nhân dân. Ở những khu vực có kè cứng rồi, chúng tôi vẫn tiến hành cho người dân trồng tre ở phần đất phía trong, như vậy sự vững chắc sẽ được nhân đôi. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng và có văn bản cụ thể, hướng dẫn các địa phương triển khai phong trào trồng tre dựa vào nguồn lực của các hội đoàn thể, trong đó chủ yếu là nông dân và phụ nữ. Thực hiện tốt phong trào này, chính quyền có thêm thời gian để huy động nguồn vốn đầu tư kè cứng sao cho hiệu quả, góp phần hạn chế tối đa tình trạng sạt lở gây mất đất” - ông Mẫn cho biết thêm.

PHAN VINH