Duy Xuyên, phát triển nghề làm các loại bánh truyền thống

Tổ đoàn kết số 1 thôn Tân Phong, nay sáp nhập thôn Tân Phong và Thọ Xuyên được lấy tên thôn mới là thôn Tân Thọ (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) nằm dọc theo trục Quốc lộ 14H có diện tích gần một cây số vuông, ruộng lúa hầu hết là ruộng bậc thang, đồi gò, có gần 80 hộ dân sinh sống trong tổ với tên gọi thân thương từ lâu Xóm trạm. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành nghề truyền thống, bà con nông dân nơi đây đã phát huy được nghề làm ra các loại bánh in, bánh nổ, bánh tổ, bánh ú tro, tà xá…nhằm phục vụ nhu cầu người dân và đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Một lò bánh trong tổ hội đang gói bánh ú tro phục vụ tết Đoan Ngọ
Hằng năm vào dịp tết Đoan ngọ, tết cổ truyền của dân tộc, bà con nhân dân tổ 1 lại tất bật hơn với nghề làm bánh truyền thống. Không biết tự bao giờ mà các loại bánh truyền thống được phát triển mạnh mẽ đến thế, bà con nhân dân rất phấn khởi vui vẻ, dù biết đó là ngành nghề rất nhọc nhằn, vất vả nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lúc đầu nghề làm bánh phát triển tự phát và nhỏ lẻ, manh mún chỉ có vài ba hộ sản xuất bán ra thị trường, trong những năm gần đây qua phát động của chính quyền và hội nông dân về việc xây dựng làng nghề, thị trường ngày càng có nhu cầu nhiều hơn, thì hầu hết “nhà nhà làm bánh, người người làm bánh”. Qua đó trong năm 2018, Hội Nông dân xã hướng dẫn thành lập tổ hội nghề nghiệp làm bánh truyền thống và một năm qua đã đi vào hoạt động hiệu quả, bên cạnh đó mọi người cùng nhau đoàn kết xây dựng thương hiệu và phát triển ngày càng tạo tiếng vang.
Tất bật lo toan chăm sóc cho ruộng đồng, nhà nhà tranh thủ thời gian nhàn rỗi rang nếp, rang nổ chuẩn bị sản phẩm để phục vụ các dịp Tết. Bên cạnh sự cần mẫn của người dân, thức khuya, dậy sớm thực hiện nhiều công đoạn là kinh nghiệm, bí quyết gia truyền của các bậc tiền nhân để lại để cho ra thành phẩm với những chiếc bánh in, bánh nổ, bánh tổ….thơm ngon, chất lượng.
Nhu cầu người dân sử dụng các loại bánh cổ truyền để thờ cúng ông bà tổ tiên ngày càng nhiều, người dân địa phương khắp nơi biết và đặt hàng ngày càng đông. Với hương vị thơm ngon, chất lượng của mỗi loại bánh đã làm cho người thưởng thức hài lòng. Như vậy mỗi nhà phải làm từ 1 đến 2 tấn nếp trở lên mới đảm bảo số lượng.
Với các tên gọi như bánh nổ, bánh tà xá, bánh in bằng bột nếp, bánh in đậu xanh… đáp ứng nhu cầu chung cho người dân, nhưng với số lượng tiêu thụ  lớn nhất vẫn là bánh nổ. Chi phí đầu tư không cao nhưng qua nhiều công đoạn đến khi thành phẩm đem lại lợi nhuận, thu nhập khá ổn định với hộ gia đình bình quân mỗi hộ đã trừ chi phí và thu lợi nhuận bước đầu ít nhất từ 30 triệu trở lên. Góp gió thành bão, hộ gia đình chắc chiu từ thành quả công sức mình đổ ra ai nấy cũng phấn khởi, khởi nghiệp tạo dựng thương hiệu với ngành nghề bánh truyền thống làng mình ngày càng phát triển hơn.
Hiện nay, bà con nông dân Xóm trạm đang chuẩn bị nguyên vật liệu để làm bánh ú tro phục vụ tết Đoan ngọ (ngày mùng 5 tháng 5). Tranh thủ lúc nông vụ nhàn rỗi bà con đi hái lá đót là loại lá của cây bông chổi đót ở trong rừng, vùng đồi núi; ủ tro; ngâm nếp, đó là bí quyết gia truyền mà nông dân Xóm trạm làm ra loại bánh ú tro thơm, dẻo, màu sắc đẹp. Những năm trước bà con nhân dân phải vào rừng hái lá rất vất vả, nên nhiều hộ gia đình đã cải tạo vườn tạp và trồng cây đót  tập trung tại vườn để lấy lá non, xanh mơn mởn từng hàng thẳng tắp tạo cảnh quang sân vườn xanh sạch đẹp. Vất vả là vậy song đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ riêng mùng 5 tháng năm hay tết cổ truyền mà ngành nghề bánh truyền thống được làm quanh năm, cung ứng nhu cầu người mua ngày càng  nhiều và thường xuyên, từ đó tạo dựng nên thương hiệu và có chỗ đứng trong thị trường rộng khắp trong và ngoài huyện.
Trời đất giao hòa, mưa nắng thuận, với bao mồ hôi, công sức nhân dân sản xuất ra hạt nếp thơm, dẻo phục vụ cho việc làm ra những loại bánh truyền thống của địa phương mang hương vị, đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu vững chắc. sVới nghề bánh truyền thống trong năm hộ thu nhập ít nhất 50 triệu đồng, có hộ lên đến 100 triệu đồng. Từ đó đời sống vật chất tinh thần của người nông dân cũng nâng lên rõ rệt, xây dựng nhà cửa, tường rào cỗng ngõ kiên cố, khang trang, điều kiện cơ sở vật chất, tiện nghi đầy đủ, đồng thời chăm lo cho gia đình con cái vào các trường đại học, cao đẳng ngày một tăng cao… ngoài ra tham gia xây dựng phong trào hội nông dân và góp phần hoàn thành mục tiêu phát kinh tế xã hội của địa phương./

Tác giả bài viết: Văn Thị Thời – CT HND xã Duy Châu

Nguồn tin: HND Duy Xuyên