Hội Nông dân Quảng Nam với công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn quan trọng, trong đó có quan điểm về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm của Đại hội XIII về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển những quan điểm mà Đảng ta đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Quan điểm đó tác động mạnh mẽ đến giai cấp nông dân và Hội Nông dân, quyết định đến sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay.
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn và Biên phòng Quảng Nam thăm, tặng quà ông Pơloong Tư - người có uy tín tại thôn 47, xã Đắc Pring
Đoàn kết, thống nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Thời gian qua, các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức, trách nhiệm và quyền lợi của nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy người dân phấn khởi, đồng thuận, cùng Nhà nước thực hiện đạt hiệu quả, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi, xây dựng các phong trào ánh sáng đường quê, tiếng kẻng an ninh, chi Hội không có người vi phạm pháp luật, xây dựng các thiết chế văn hóa và các công trình phúc lợi xã hội. Tham gia cùng với các ngành thực hiện quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế, phát huy trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Hằng năm Hội Nông dân tỉnh chọn một số nội dung cơ bản trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để giao chỉ tiêu cụ thể cho cơ sở thực hiện và đã đạt được kết quả cụ thể như: Đa số các hộ nông dân trong tỉnh hưởng ứng thực hiện chỉnh trang tường rào cổng ngõ; tham gia duy tu, bảo dưỡng và làm mới được 1.745km đường giao thông nông thôn; kiên cố hoá kênh mương nội đồng, tu bổ, nạo vét được hơn 1.645 km; sửa chữa 175cầu, cống, đập bổi, ...Ngoài ra còn vận động 1.370 hộ nông dân hiến gần 18.500mđất và hàng ngàn ngày công, không nhận tiền đền bù vật kiến trúc, cây trồng. Bên cạnh đó các cấp Hội Nông dân đã phối hợp cùng với các ngành chuyên môn tổ chức được 207 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 4.987 lượt hội viên, nông dân tham gia.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
 
Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SX-KDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xem đây là một trong những phong trào mũi nhọn nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Vận động,  hướng dẫn, khuyến khích nông dân linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, đưa kiến thức khoa học, kỹ thuật cây, con giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương; đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp; tập trung dồn điền, đổi thửa, quy hoạch đồng ruộng; tận dụng và khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế.
Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp cư dân nông thôn nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, hằng năm các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức đào tạo và phối hợp đào tạo nghề cho khoản 2000 lao động. Trong đó, chủ yếu là các ngành nghề nông nghiệp như chăn nuôi - thú y, trồng lúa năng suất cao, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, trồng dưa và những nghề phi nông nghiệp gồm may công nghiệp, đan mây tre, dệt thổ cẩm, mộc dân dụng, dệt kim, kỹ thuật sửa chữa xe gắn máy, vận hành - sửa chữa máy nông cụ…Cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh giao cho Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ nông dân ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp để cung ứng mỗi năm hơn 4000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm và trả góp cho nông dân của 93 xã trong tỉnh. Đặc biệt, công tác xây dựng và quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân của các cấp hội được duy trì tốt, đến nay tổng nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gần 115 tỷ đồng, qua đó giúp hàng chục nghìn lượt hộ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh…
Xây dựng tổ chức Hội Nông dân trong sạch, vững mạnh
Với phương châm “mọi hoạt động đều hướng về cơ sở”, xây dựng chi, tổ Hội vững mạnh, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực công tác hội, phong trào nông dân. Tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về truyền thống cách mạng, văn hóa của quê hương, của giai cấp nông dân; chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội, các kênh thông tin của Hội như: Chuyên mục “Diễn đàn các cấp Hội Nông dân”, phát thanh nông dân trên sóng QRT; Bản tin “Nông dân - Nông thôn”, Website của Hội; thông qua các hội thi, hội diễn như Gameshow “Quê mình xứ Quảng”, Nhà nông đua tài...
Lãnh đạo HND tỉnh thăm hỏi, động viên các chiến sĩ Biên phòng

Hội Nông dân tỉnh thường xuyên tặng quà cho bà con nông dân vùng cao mỗi dịp tết đến, xuân về

Gameshow “Quê mình xứ Quảng” giới thiệu quảng bá những nét văn hóa, sản phẩm văn hóa đặc sắc của địa phương trong công cuộc đổi mới và xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua các phần thi, những lời ca, tiếng hát và trò chơi dân gian.

Vận động nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
 Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô, trình độ sản xuất. Nông nghiệp đang phát triển, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trình độ canh tác và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản, thực phẩm được nâng cao chất lượng.
Các hình thức tổ chức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên doanh sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực.Thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền 123 cuộc cho hơn 8.052 lượt cán bộ, hội viên nông dân về kinh tế tập thể. Tổ chức 65 lớp tập huấn nâng cao về nghiệp vụ, năng lực kinh doanh cho cán bộ HTX, cán bộ Hội Nông dân các cấp. Vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực. Tăng cường công tác tư vấn, thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân nhằm nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả. Đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, thành lập mới hơn 350 THT, 17 HTX nông nghiệp, xây dựng hơn 500 mô hình nhóm hộ, CLB nông dân sản xuất kinh doanh cùng loại sản phẩm, hàng hóa.
Mô hình chăn nuôi bò theo nhóm hộ tại thôn Batư xã Dang giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo
 
Như vậy, tổ chức Hội muốn làm tốt công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trước hết phải xây dựng tổ chức sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, liên kết, liên doanh giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, nâng cao vị trí của Hội trong việc thực hiện đại đoàn kết dân tộc.Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của của hội viên, nông dân, nhất là nông dân các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức Hội Nông dân Việt Nam gắn với xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Tác giả bài viết: HẠ MY