Thăng Bình sẵn sàng cho mùa vụ mới

Huyện Thăng Bình đang huy động đồng bộ các nguồn lực để tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Sản xuất lúa hàng hóa ở xã Bình Đào (Thăng Bình). Ảnh: N.Q.V

Sắp vào vụ mới

Những ngày cuối năm dương lịch, khắp các cánh đồng trên địa bàn 22 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình, bà con nông dân khẩn trương dọn vệ sinh đồng ruộng. Các công đoạn cày, xới, san bằng mặt ruộng diễn ra khẩn trương. Nhiều nông dân cho biết, vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ dịch hại, làm ải đất sẽ khiến đất tơi xốp, phân hủy các chất hữu cơ, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế cỏ dại, qua đó thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây trồng. Để đảm bảo cung ứng tốt nước tưới cho vụ đông xuân sắp tới, người dân và ngành nông nghiệp địa phương ra quân nạo vét, khơi thông những tuyến kênh mương, luồng lạch dẫn nước bị bồi lấp trong đợt lũ lớn vừa qua. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, vụ đông xuân sắp tới, bà con nông dân xuống giống hơn 500ha lúa và hàng chục héc ta hoa màu các loại. Địa phương đã khuyến cáo người dân chủ động chọn giống có hạt chắc, mẩy để đảm bảo hạt nẩy mầm tốt. Để giống nẩy mầm mạnh, có bộ rễ khỏe và tăng sức đề kháng, nông hộ nên chủ động xử lý giống. Địa phương vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt để né tránh các loại dịch bệnh. Mục tiêu sản xuất là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vụ đông xuân này, toàn huyện Thăng Bình xuống giống hơn 8.000 ha. Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, sản xuất sạch là hướng đi rất kỳ vọng, qua đó đáp ứng nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Nông nghiệp sạch còn chủ đích nâng cao trình độ canh tác của bà con nông dân và tạo sức bật trong xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. “Thời gian qua, chúng tôi tổ chức tập huấn cho nông hộ về phòng trừ dịch hại cho cây trồng, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, trong đó, ưu tiên giống lúa ngắn ngày. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp theo phân cấp quản lý cũng đã khẩn trương thực hiện. Rất mừng là công tác kiểm tra, nạo vét, tu bổ các hồ đập, hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi được triển khai rất đồng bộ ở cả 22 xã thị trấn trên địa bàn” - ông Khiết nói.

Thời điểm này, các địa phương ở huyện Thăng Bình tập trung quản lý thủy nông, tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước kịp thời, tránh thất thoát gây lãng phí nguồn nước. Các phương án phòng chống hạn, nhất là các xã vùng tây được triển khai ngay từ trước khi vào vụ chính. Nhiều xã tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp sang sản xuất cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, đậu, rau màu có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sản xuất hàng hóa

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Thăng Bình tập trung tích tụ ruộng đất. Năm 2017, địa phương đã thực hiện ở xã Bình Đào, Bình Nam, Bình Hải, Bình Sa, Bình Triều, thị trấn Hà Lam. Tổng diện tích đất sản xuất tập trung là 202,2ha, trong đó diện tích đất các hợp tác xã (HTX) thuê của người dân để sản xuất là 8,6ha (Bình Đào 4,7ha, Bình Nam 1,7ha, Bình Hải 1,2ha, Bình Triều 1ha), diện tích còn lại là liên kết sản xuất giữa HTX và nông hộ. Năm 2018, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích tích tụ, tập trung ruộng đất tại xã Bình Đào, Bình Sa, Bình Nam, thị trấn Hà Lam, Bình Triều, Bình Trung, Bình Tú. Về cơ giới hóa trong nông nghiệp, huyện lập phương án hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ, từng bước khép kín từ khâu làm đất đến thu hoạch và sơ chế nông sản. UBND huyện Thăng Bình đã hướng dẫn các địa phương, các HTX lập phương án liên kết sản xuất với doanh nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản.

Tạo cú hích cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Thăng Bình tập trung xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất. Theo UBND huyện Thăng Bình, địa phương tiếp tục xây dựng mới các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu để tăng diện tích chủ động tưới nước. Huyện ưu tiên tập trung thủy lợi đối với các diện đất trồng hoa màu, các loại cây trồng cạn. Ngoài ra, tiếp tục duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có trên địa bàn để phát huy năng lực tưới nước theo thiết kế. “Địa phương ưu tiên đầu tư kiên cố hóa kênh mương để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Các xã xây dựng nông thôn mới rất tập trung vào việc này để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế thu được từ sản phẩm cây trồng có giá trị cao. Đầu tư hạ tầng của huyện còn tập trung vào phát triển giao thông nội đồng nhằm tăng hiệu quả tưới nước, nâng cao khả năng chống chọi với thiên tai” - ông Đoàn Thanh Khiết cho biết thêm.

NGUYỄN QUANG VIỆT