Tiếp sức người dân thoát nghèo

Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra đời đã tiếp thêm động lực giúp người dân vùng cao huyện Hiệp Đức vươn lên thoát nghèo bền vững.
ừ nguồn vốn vay chính sách, nhiều người dân ở Hiệp Đức đã thoát nghèo. Ảnh: L.T
Là một trong những hộ nghèo của xã Phước Trà, gia đình ông Trần Văn Kỳ vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng. Số tiền này dùng để mua 3 con bò, cộng với số bò mua được trước đó, gia đình ông hiện có đàn bò 6 con. Đây là cơ sở để gia đình ông có thể vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Ông Kỳ chia sẻ: “Được cán bộ xã, thôn tạo điều kiện cho gia đình vay vốn mua bò để chăn nuôi, tôi rất mừng. Nuôi nhiều bò gia đình sẽ bớt khó khăn, có thể lo cho các con ăn học”.

Gia đình bà Hồ Thị Út cũng được vay số tiên 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua bò. Hiện cả gia đình có 8 miệng ăn, nhưng vợ chồng bà không có việc làm ổn định, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Cơn bão số 9 năm 2020 đã làm 3ha keo của gia đình bị ngã đổ hoàn toàn.

Năm 2021, được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo của ngân hàng chính sách, gia đình bà Út mới có điều kiện trồng lại rừng. Nay có thêm đàn bò để phát triển kinh tế, gia đình bà sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Bà Hồ Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Trà nói: “Người dân trước đây chủ yếu phát rẫy làm nương, nguồn thu nhập đem lại không đáng kể. Cùng với chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển hướng chăn nuôi phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay chính sách, nhiều hộ đã vượt khó làm ăn, bước đầu ổn định kinh tế gia đình”.

Qua 3 tháng triển khai cho vay theo Nghị định 28, đã có 41 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hiệp Đức được vay vốn với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, mỗi hộ được vay không quá 100 triệu đồng. Đến nay các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có tổng dư nợ hơn 335 tỷ đồng.

Ông Trương Công Anh - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Đức cho biết: “Hiện nguồn cỏ trong các cánh rừng ở vùng núi Hiệp Đức còn rất nhiều nhưng chưa được khai thác hết.

Sau khi có Nghị định 28 của Chính phủ, chúng tôi phối hợp với chính quyền các xã vùng cao rà soát hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn và tuyên truyền, vận động người dân vay vốn nuôi bò để khai thác tiềm năng tại địa phương, phát triển kinh tế”.

Hiệp Đức là huyện miền núi có 3 xã vùng cao là Phước Trà, Sông Trà và Phước Gia với các dân tộc Ca Dong, Mơ Nông, đời sống người còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp người dân nơi đây có thêm động lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã vùng cao xuống còn 21,9%.

Tác giả bài viết: LINH NHI - THANH HOA

Nguồn tin: Báo Quảng Nam