Tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ chứng nhận PGS Hội An

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An có 2 nhóm sản xuất rau hữu cơ được cấp chứng nhận hữu cơ PGS Hội An là: HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông (ở xã Cẩm Thanh) và Vườn rau hữu cơ Hiền - Đông (ở phường Cẩm Châu).
Theo đó, PGS là tiêu chuẩn đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình và tuân thủ các quy định của sản xuất hữu cơ do Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam xây dựng và được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ công nhận năm 2013.
Để giúp nông dân tiêu thụ và giới thiệu thương hiệu hữu cơ Hội An đạt chứng nhận PGS đến với khách hàng, từ tháng 5/2014, Trung tâm hành động vì sự phát triển Đô thị đã hỗ trợ thành phố Hội An thành lập hệ thống tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ qua 2 kênh là khách lẻ và đại lý.
Trong giai đoạn đầu xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, từ năm 2014 đến năm 2016, sản lượng rau hữu cơ cung cấp ra thị trường không cao. Do đây là thời gian cải tạo đất, tìm kiếm thị trường, nguồn khách hàng và mức tiêu thụ sản phẩm ít, giá thành chưa ổn định.
Bước sang giai đoạn năm 2017 - 2019, thương hiệu rau hữu cơ Hội An mới thực sự được phát triển và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Các đại lý, khách hàng trong và ngoài thành phố đã tìm hiểu và tin cậy sử dụng sản phẩm rau hữu cơ thường xuyên. Đặc biệt, sự gắn kết giữa mô hình sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch - dịch vụ đã tạo điểm tham quan học tập cho học sinh, sinh viên và khách du lịch yêu nông nghiệp muốn hòa mình vào thiên nhiên. Qua đó, tạo việc làm và giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân.
Bà Lê Thị Hoài Thương - thành viên của hệ thống tiêu thụ rau hữu cơ   Hội An nhận định: “Những năm này, sản lượng rau hữu cơ sản xuất được tăng dần, từ 13 tấn/năm tăng lên 15 tấn/năm. Thu nhập của nông dân ở năm sau tăng so với năm trước, từ 20 triệu đồng/năm lên 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt thiên tai, bão lũ nên sản lượng chưa ổn định qua hằng năm.”
Theo thống kê, rau hữu cơ Hội An tiêu thụ qua kênh đại lý chiếm 45% tổng sản lượng, trong đó tại Thành phố Đà Nẵng có 3 cửa hàng và thành phố Hội An có 2 cửa hàng. Đồng thời, các nhà hàng tại Hội An thường xuyên mua rau hữu cơ để chế biến, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng.
Ngoài ra, rau hữu cơ Hội An tiêu thụ qua kênh khách lẻ chiếm 35% tổng sản lượng. Hiện nay, có khoảng trên 500 khách hàng đã sử dụng rau hữu cơ Hội An qua hệ thống, cửa hàng và các phiên chợ tại Hội An và Đà Nẵng.
Chị Trần Thị Thu - Chủ cửa hàng Thực phẩm sạch xanh tiêu thụ rau hữu cơ Hội An được 6 năm cho biết: Cửa hàng luôn đồng hành cùng nhà sản xuất, lan toả lối sống và kiến thức xanh - sạch đến cộng đồng người dân. Với sứ mệnh đó, năm 2018 cửa hàng đạt chứng nhận “Cửa hàng văn minh” và “Cửa hàng tiêu biểu top 30 của thành phố Hội An”.
Chia sẻ giải pháp để thay đổi nhận thức sử dụng thực phẩm sạch và tạo sự tin cậy đối với khách hàng, chị Trần Thị Thu nói: “Mọi người nên đa dạng thêm các sản phẩm để đưa vào tiêu thụ. Các nhóm sản xuất vừa tập trung sản xuất ổn định mức cung để phục vụ người tiêu dùng, vừa đầu tư các kênh quảng bá. Hiện nay, chúng ta chưa quảng bá thương hiệu mạnh nên người dân còn e ngại. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các nhóm sản xuất để quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm tới khách hàng”.
Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến       phức tạp đã làm cho chợ phiên Hội An thường xuyên bị hoãn hoặc hủy, khiến các sản phẩm hữu cơ trên địa bàn thành phố mất đi cơ hội quảng bá, tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Đông - Chủ hộ sản xuất vườn rau hữu cơ Hiền - Đông ở phường Cẩm Châu, chia sẻ: Thời điểm trước dịch, nguồn thu rất vững, với thu nhập nông thôn mà 6-7 triệu/tháng là rất lớn. Chừ thì chỉ có 2 triệu mỗi tháng, đồ không bán được vì khách sạn, nhà hàng nghỉ hoạt động. Chừ để đó, khách hàng ăn thì hái bán”
Trước tác động của dịch Covid-19, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp Hội An tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách để hỗ trợ các nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về sản phẩm hữu cơ PGS và chứng nhận PGS cho nông dân và người tiêu dùng.
Cạnh đó, tăng cường truyền thông, kết nối mạng lưới, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Hội An organic” và hệ thống chứng nhận PGS Hội An. Duy trì nền nông nghiệp hữu cơ vừa tạo sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao, vừa đảm bảo tính ổn định xã hội, phục vụ tích cực cho du lịch phát triển bền vững, giảm thiểu các rủi ro khi có biến động thiên tai, dịch bệnh …

Tác giả bài viết: Mỹ Lệ

Nguồn tin: HND Thành phố Hội An