Xuân trên biền bãi

Tháng Chạp, nơi những cồn bãi sông quê, mầm xuân trỗi dậy với đủ các sắc màu: xanh mơn mởn của cải non, xanh thẫm của những ruộng bí, bầu, khổ qua lẫn trong sắc hoa vàng rực rỡ.
Mầm xuân kịp về trên những biền bãi sông quê. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Những ngày này, trên cánh đồng rau màu Bàu Tròn (Đại Lộc), màu xanh đã phủ lên biền bãi, xóa đi bao nhọc nhằn của nhà nông vùng “rốn lũ”. Dù bị thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua nhưng người dân Bàu Tròn vẫn nhanh chóng bắt tay vào khôi phục vùng sản xuất. Người dân ươn cây con dự trữ sẵn, chờ lũ rút là ra đồng dọn dẹp, xuống giống nên chẳng mấy chốc, những ruộng bí đao, dưa leo, khổ qua, đậu cô ve… đã kịp phủ giàn. Vùng chuyên canh Bàu Tròn được quy hoạch với diện tích lên tới gần 50ha nhiều năm qua là một trong những vựa nông sản chủ lực của Quảng Nam và Đà Nẵng. Cũng từ đây, nông dân trong vùng đã đổi đời, có đời sống no ấm.

Vừa chăm sóc luống đậu cô ve trĩu trái, ông Phan Văn Đùng vừa cho biết, nhờ chủ động ươn cây con dự trữ sẵn nên ông vẫn có lứa rau quả vụ đông để bán cho thị trường. Hiện giá đậu cô ve, dưa leo trên thị trường chỉ dao động 12 - 20 nghìn đồng/kg, tuy không cao như các năm song nông dân vẫn có thu nhập tốt do nông sản được mùa. Đặc biệt, những ngày giáp tết dự báo sức mua tăng cao, giá cả nông sản cũng tăng tăng lên nên mọi người yên tâm. Chỗ đậu cô ve hái được ông Đùng chất đầy những bao tải chờ sẵn để thương lái tới chở đi các chợ. Ngoài sào đậu cô ve đang cho thu nhập, những sào dưa leo của ông Đùng cũng đang kết trái trĩu trịt, chỉ một tuần nữa là có thể hái bán tới tận tết.

Những ngày giữa tháng Chạp này, những luống dưa leo, đậu côve, đậu đũa của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Lâm (thôn Bàu Tròn, Đại An) cũng trĩu trái xen lẫn sắc vàng của hoa. Cái lạnh se se và cái hanh hao của tiết trời tương đối thuận lợi với sự sinh trưởng, phát triển của cây la ghim nên thửa ruộng nào cũng tràn ngập hoa và trái. Dẫu giá cả nông sản không nhảy vọt nhưng niềm vui được mùa cũng khiến nông dân phấn khởi, xua đi những u ám thiệt hại của lũ lụt trước đó. Theo nhiều nhà nông ở Bàu Tròn, sau lũ, dù lượng phù sa bồi đắp không nhiều song cũng giúp cho đất tơi xốp, nhiều loại chuột bọ, sâu rầy bị lũ cuốn trôi khiến nhà nông bớt khổ nhọc đối phó. Những lứa rau củ quả nối tiếp nhau trong năm làm cho vùng Bàu Tròn không thiếu sản phẩm để bán. Ước tính, mỗi héc ta đất ở vùng chuyên canh sẽ giúp nông dân trong vùng thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Những ngày cuối đông, bên cạnh vựa rau củ quả tết, một chợ nông sản ven đường cũng mọc lên để bày bán những sản phẩm Bàu Tròn để du khách xa gần mang hương xuân đi xa. Tiếc rằng, vựa rau quả này chưa hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn giúp nâng tầm giá trị và thương hiệu.

Dọc bãi biền sông Thu của vùng Khúc Lũy, Trung Phú 2 (xã Điện Minh, Điện Bàn) những ngày cuối đông, sắc xuân phủ khắp những cánh đồng. Người người thu hoạch rau trên những ruộng rau má, bồ ngót, mồng tơi, dền đỏ, tần ô, húng quế… Nếu như ở vùng Bàu Tròn hướng tới chuyên canh rau, củ, quả với cây la ghim, bắp nếp ngọt, ớt, thì vùng bãi bồi Điện Minh chủ yếu hướng tới các loại rau. Thu hoạch lứa rau này, nông dân tranh thủ giải phóng đất, xuống giống rau trở lại. Rau được thu hoạch, xếp gọn vào những bao tải, thùng xốp, được vận chuyển bằng xe máy và xe tải hạng trung đưa đi các chợ thương mại, chợ đầu mối cung ứng tết. Không khí thu hoạch rau những ngày cuối đông trở nên khẩn trương, náo nhiệt hơn so với thời điểm thường ngày. Từ một vùng trồng rau có năng suất thấp, nhờ được quy hoạch, cải tạo, thủy lợi hóa đất màu, vùng bãi biền sông Thu như Khuất Lũy, Đồng Phủ, Đồng Hạnh ở xã Điện Minh đã trở thành mảnh đất màu mỡ giúp nông dân có của ăn, của để. Người trồng ít, vài sào; nhiều, lên tới cả mẫu như trường hợp ông Hà Ngọc Phi, chuyên canh rau má, mồng tơi, rau cải bẹ xanh, bẹ trắng, tần ô… “Khu vực này nhà nhà làm rau, không chỉ trồng rau ở ngoài biền bãi, nhiều người còn tận dụng diện tích vườn tược để trồng rau bán. Ngày thường sức tiêu thụ đã nhiều rồi, vụ rau tết càng sôi động hơn. Nhiều người già như tôi cũng nhờ cây rau mà sống” - bà Tăng Thị Phú ở vùng chuyên canh Điện Minh chia sẻ. Xã Điện Minh đã đăng ký nhãn hiệu rau an toàn, giúp nông sản có thương hiệu, tăng giá trị trên thị trường. Cơ hội đã mở, đây là nguồn động lực giúp nông dân vươn lên làm giàu từ đất.

Tháng Chạp. Những mầm xuân đã kịp phủ kín trên vùng đất lũ nơi bãi biền sông quê. Trong nắng mới, sắc xanh của biền bãi hòa với sắc vàng của hoa mơn man réo gọi xuân về rạo rực.

HOÀNG LIÊN