Chuyển biến của năm nông nghiệp

Nhờ tập trung đầu tư đồng bộ ở lĩnh vực trồng trọt nên huyện Quế Sơn đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
 
Hiện nay, Quế Sơn đã hình thành được nhiều cánh đồng mẫu chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa. Ảnh: N.PHƯƠNG
Hiện nay, Quế Sơn đã hình thành được nhiều cánh đồng mẫu chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa. Ảnh: N.PHƯƠNG

Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

Năm 2017, nông dân trên địa bàn huyện Quế Sơn sản xuất hơn 6.865ha lúa. Nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp linh hoạt huy động và lồng ghép một số kênh vốn khác, huyện tiếp tục đầu tư gần 24 tỷ đồng thi công 4 trạm bơm điện tại các xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Thuận, Quế Châu. Đồng thời tiến hành bê tông hóa nhiều tuyến kênh nội đồng trọng yếu với tổng chiều dài 20.747m. Cùng với việc đầu tư cho khâu thủy lợi, ngành nông nghiệp huyện tích cực chuyển giao các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật cho nhà nông. Ông Lê Hữu Châu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, vụ đông xuân 2016-2017 các đơn vị liên quan tổ chức 57 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh cây lúa, cơ cấu giống, lịch thời vụ, biện pháp phòng trừ những loại sâu bệnh nguy hiểm... thu hút 2.680 lượt người tham gia. Còn vụ hè thu, tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc lúa và hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ rầy nâu, bệnh khô vằn gây hại trên đồng ruộng cho 635 lượt người. Ông Châu chia sẻ: “Nhờ hỗ trợ nông dân nhiều khâu trong quá trình sản xuất nên cả 2 vụ lúa năm 2017 Quế Sơn đều được mùa trên diện rộng. Theo thống kê, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 54,4 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2016, tổng sản lượng lúa đạt 37.377 tấn, tăng 15,5% so với năm ngoái”.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở, trong 2 vụ sản xuất năm 2017, nông dân Quế Sơn đã chuyển 168,7ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực gồm bắp lai, đậu phụng, mè, sắn… Thực tế cho thấy, bình quân mỗi vụ 1ha đất sản xuất hoa màu cho nhà nông mức thu nhập khoảng 35 - 40 triệu đồng, cao hơn 10 - 15 triệu đồng so với trước đây gieo sạ lúa.

Ngoài ra, các xã Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Châu, Quế Phong tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho nông dân triển khai một số mô hình như cấp 1 hóa giống lúa, cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật với tổng diện tích hơn 38ha, năng suất lúa bình quân đạt từ 60 tạ/ha trở lên. Ngành chuyên môn của huyện phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tổ chức thực hiện mô hình sản xuất trình diễn các giống lúa thuần chất lượng cao gồm Đài thơm 8, Kim Cương 111, Bắc thơm 9 tại địa bàn xã Quế Phú. Thực tế cho thấy, cả 3 giống lúa này đều cho năng suất cao hơn so với những chân ruộng sản xuất đại trà 10,6 - 19,6 tạ/ha. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ nhà nông liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với các doanh nghiệp được huyện Quế Sơn quan tâm đúng mức. Ông Lê Hữu Châu cho hay, trong năm 2017, thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, một số công ty đã ký kết hợp đồng với hàng trăm hộ dân ở 2 xã Quế Xuân 1 và Quế Phú tổ chức canh tác tổng cộng 160ha lúa giống. Trong đó có 100ha giống lúa thuần Thiên ưu 8, 55ha giống lúa thuần HT1, 5ha giống lúa lai Nhị ưu 838 thế hệ F1. Ông Châu nói: “Việc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa đã giúp nông dân tăng thêm 20 - 40% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích so với làm lúa thương phẩm. Đáng mừng hơn là nhà nông không phải lo chuyện đầu ra vì đã được các công ty giống bao tiêu toàn bộ sản phẩm”.   

Làm giàu từ rừng nguyên liệu

Ông Hoàng Văn A ở thôn Lạc Sơn (xã Quế Minh) cho biết, trước năm 2000 vợ chồng ông bắt đầu khai hoang, cải tạo đất trống, đồi núi trọc, trồng keo lá tràm với tổng diện tích 6ha. Từ đó đến nay, cứ theo chu kỳ 5 năm, ông A khai thác một lần và trồng lại số diện tích rừng nguyên liệu ấy. “Sau mỗi đợt khai thác, trừ mọi chi phí đầu tư, tôi thu về mức lãi ròng không dưới 240 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm các vật dụng trong gia đình và nhất là lo cho mấy đứa con ăn học đàng hoàng. Nếu  bám riết với mấy sào ruộng lúa thì chắc chắn cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông A chia sẻ. Theo ông Nguyễn Phước Tâm - Chủ tịch UBND xã Quế Minh, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng và tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn ưu đãi nên những năm gần đây nông dân trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng rừng nguyên liệu.

Ông Tâm nói: “Theo thống kê, hiện toàn xã có gần 340ha đất lâm nghiệp chuyên trồng rừng sản xuất. Bình quân mỗi năm nông dân khai thác bán ra thị trường khoảng 65 - 70ha keo nguyên liệu, thu về 4 - 4,2 tỷ đồng. Có thể khẳng định, mô hình này là hướng chủ lực thúc đẩy kinh tế hộ ở địa phương phát triển, góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”. Trong khi đó, ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho hay, phát huy lợi thế đất lâm nghiệp tương đối nhiều, những năm qua nông dân trên địa bàn huyện đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng. Theo ông Sửu, toàn huyện có tổng cộng 9.790ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất là 6.067ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Hiệp, Quế Phong… “Nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, thời gian qua nông dân Quế Sơn đã vay 7,5 tỷ đồng từ các kênh vốn ưu đãi để phủ xanh toàn bộ 6.067ha đất rừng sản xuất bằng cây keo nguyên liệu. Qua khảo sát cho thấy, hằng năm người dân ở các địa phương của huyện khai thác ít nhất 800ha keo, đạt giá trị 52 - 56 tỷ đồng” - ông Sửu nói.

NHÃ PHƯƠNG