Phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh: Hướng đi bền vững

Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi được bàn thảo nhiều tại Diễn đàn phát triển các dân tộc thiểu số 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số”.
Đồng bào mang sâm đến bán tại hội chợ sâm. Ảnh: H.LIÊN
Cần cơ chế đặc biệt

Có thể thấy, giá trị và hiệu quả kinh tế của cây sâm Ngọc Linh trong giảm nghèo tại Quảng Nam là hết sức to lớn. Cây sâm Ngọc Linh đã được nhân trồng ra 7 xã vùng Nam Trà My với số hộ trồng sâm lên tới 1.500 hộ, đăng ký hơn 2.500ha dịch vụ môi trường rừng trồng sâm. Hiện đã có 6 doanh nghiệp, một tập đoàn (TH - True Milk) đăng ký trồng sâm tại Nam Trà My với tổng diện tích gần 300ha... Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu sâm hiện nay là khâu giống khi chưa có một cơ quan sản xuất giống chuẩn để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. “Chúng ta đã có gần 100 sản phẩm chế biến từ sâm nhưng chủ yếu là thực phẩm chức năng, còn mỹ phẩm và dược phẩm thì chúng ta chưa có. Dù sâm Việt Nam nổi tiếng, song chúng ta chưa có nền công nghiệp sâm như các nước, mà muốn có công nghiệp sâm thì phải có nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững. Vì vậy, Chính phủ nên có dự án quốc gia về di thực sâm Ngọc Linh ra các vùng có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Nên đưa cây sâm vào gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các cơ chế hỗ trợ thuế, đất trồng sâm, xúc tiến để nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp cùng vào phát triển vùng sâm” - ông Bửu kiến nghị.

Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen quý, nhân giống, phát triển vùng nguyên liệu bền vững được các nhà quản lý, nhà khoa học mổ xẻ tại diễn đàn lần này. Trong đó, khâu bảo tồn giống là quan trọng nhất song đang gặp khó khăn, sâm Ngọc Linh đang ở tình trạng nguy cấp bởi khâu sản xuất giống chưa đáp ứng yêu cầu tại chỗ, tình trạng khai thác cạn kiệt. Việc nhân giống bằng công nghệ sinh học chưa thành công, chưa áp dụng công nghệ nuôi cấy mô vào sản xuất giống. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN nhìn nhận, với tiến bộ công nghệ, cây sâm đã được gây trồng ra 7 xã, đây là kết quả lớn của nhiều nhà khoa học, người dân trong việc mày mò nghiên cứu kỹ thuật trồng sâm dưới tán rừng. Quảng Nam cũng có nhiều đề tài nghiên cứu về sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên cây sâm mô chưa được đánh giá sau thời gian trồng khảo nghiệm, chưa đánh giá được hoạt chất, chỉ mới tập trung hoàn thiện công nghệ nhân giống vô tính, bảo tồn gen. Vì vậy, theo ông Tích, cùng với đề án khung của Chính phủ, Quảng Nam cũng đặt hàng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là đề xuất Bộ KH&CN và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đưa công nghệ nhân giống in vitro sâm Ngọc Linh; thống nhất nghiên cứu chung cho tỉnh Quảng Nam và Kon Tum về nhiệm vụ bảo tồn gen; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh ra toàn quốc. Cùng với đó, khâu định hướng phát triển kỹ thuật trồng trọt chuẩn, quản lý dịch hại và thu hoạch, sơ chế, đầu tư nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, cần tăng cường sự hợp tác giữa nhà khoa học - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp và người dân trong phát triển cây sâm hết sức quan trọng trong việc tạo chuỗi giá trị.

Tạo chuỗi giá trị

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Quảng Nam cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ, trong đó nòng cốt là việc phát triển chiến lược sâm Ngọc Linh. Việc nghiên cứu hướng di thực và phát triển cây sâm Ngọc Linh ra vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, thực hiện chiến lược phát triển sâm, xây dựng cây sâm Ngọc Linh cho xứng tầm với sản phẩm quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm.

Việc xây dựng, tạo chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung trọng tâm được phân tích, mổ xẻ tại diễn đàn. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để sâm Ngọc Linh phát triển thành sản phẩm hàng hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cần phải tổ chức lại từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến các sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng lớn. Tính đến cuối năm 2017, đã có 53 chốt sâm của người dân đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh trồng trong dân ước tính có hàng triệu cây với các độ tuổi khác nhau. Do chưa được tổ chức sản xuất chặt chẽ nên rất khó hướng dẫn sản xuất và quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ phục vụ cho sản xuất theo chuỗi. Vì vậy, trên cơ sở các nhóm hộ hợp tác sản xuất theo các “chốt sâm” hiện nay, cần hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất sâm Ngọc Linh, áp dụng rộng rãi mô hình hợp tác xã đối với các chốt sâm mới di thực mở rộng trong vùng chỉ dẫn địa lý. “Bản thân người dân đã hợp tác sản xuất rồi, vậy chúng ta cần thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã để làm dịch vụ đầu vào, thu gom hạt giống, tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu, liên kết sản xuất, chế biến. Hợp tác xã sẽ là đại diện của nông hộ trong quản lý chỉ dẫn địa lý được cấp cho sâm củ và thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâm, tạo đà phát triển công nghiệp sâm” - ông Muộn chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm là phải làm sao để người dân vùng đồng bào thiểu số thay đổi nhận thức, chuyển từ quy mô sản xuất đơn lẻ sang quy mô tổ hợp tác, hợp tác xã, hạn chế khó khăn trong tiếp thu công nghệ, nâng cao năng lực đàm phán thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm sâm. Việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp cần phải đảm bảo quyền lợi giữa các bên để hình thành chuỗi giá trị. Cần hỗ trợ đồng bào vùng sâm xây dựng đề án, làm sao đưa sản phẩm vùng sâm vào hội chợ quốc tế. Công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thị trường thế giới là hết sức quan trọng. Thời gian tới, ít nhất phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh ở 5 quốc gia…

HOÀNG LIÊN - ALĂNG NGƯỚC