Quốc hội thảo luận Luật Trồng trọt: Cần có chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Chiều qua 23.6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Trồng trọt. Đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ.

Theo tờ trình của Chính phủ, sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội. Sau hơn 30 năm đổi mới, sản xuất trồng trọt đã có những bước phát triển quan trọng, góp phần đưa nước ta từ nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu nông sản có vị thế cao trên thế giới. Sản xuất trồng trọt hiện đóng góp 71,5% GDP và hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chính trị, xã hội ở nước ta. Một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD; trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành nông nghiệp thì có 7 mặt hàng thuộc lĩnh vực trồng trọt là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu. Trong khi đó, sau hơn 13 năm thi hành Pháp lệnh giống cây trồng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, tất cả giống cây trồng trước khi đưa vào sản xuất, kinh doanh đều phải được công nhận giống cây trồng mới và phải thực hiện khảo nghiệm trước khi công nhận; quy trình khảo nghiệm giống còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, một số hoạt động quan trọng trong trồng trọt như hoạt động canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến và thương mại; quản lý chất lượng nông sản chưa có văn bản pháp luật quy định. Mặt khác, phân bón là vật tư quan trọng nhất trong lĩnh vực trồng trọt nhưng hiện mới được điều chỉnh tại văn bản cấp nghị định (Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20.9.2017 của Chính phủ về quản lý phân bón)...

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình cho rằng dự án Luật Trồng trọt có ý nghĩa quan trọng và tác động rất lớn đến người dân. Do đó, để tạo hành lang pháp lý và khuyến khích, thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển, nâng cao đời sống của nông dân, dự thảo luật cần quy định Nhà nước có các chính sách ưu đãi về đầu tư hạ tầng, vốn và nhất là đối với bảo hiểm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định rõ thông tin phải ghi vào nhãn mác giống cây trồng, nhất là đối với giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp nhằm thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định chặt chẽ, cụ thể hơn đối với chất lượng nguồn nước cung cấp cho trồng trọt; trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi cung cấp giống cây trồng không đảm bảo chất lượng…

Tác giả bài viết: DUY MAI