Sản phẩm OCOP trong thị trường du lịch

Ngày 16/5, UBND TP.Hội An tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phục vụ du lịch Hội An. Tham dự hội nghị có hàng chục doanh nghiệp du lịch và chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Các sản phẩm OCOP nhỏ gọn, giá cả phải chăng được du khách ưa chuộng khi mua làm quà lưu niệm. Ảnh: Q.T
Loay hoay

Năm 2019, Hội An đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch. Đây là thị trường tiêu thụ rất lớn do đó địa phương mong muốn thúc đẩy sự gắn kết giữa hệ thống sản phẩm OCOP với thị trường du lịch. Giai đoạn 2018 - 2022, Hội An có 18 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao.

Dù vậy, trong số này chỉ có 1 sản phẩm ở nhóm dịch vụ - du lịch. Theo nhận định của các doanh nghiệp, sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu hiện nay bị trùng lắp khá nhiều. Do tính tương đồng cao nên việc cạnh tranh thương mại hóa rất khốc liệt. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, so với tiềm năng thị trường và yêu cầu phát triển thì có thể nhận thấy sự liên kết giữa các sản phẩm OCOP với thị trường du lịch còn thiếu hiệu quả.

Bà Trần Huỳnh Hải Yến - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ bền vững Hội An cho rằng, Hội An là thị trường nhỏ về mặt hành chính nhưng là thị trường rất rộng mở bởi đón lưu lượng du khách cực lớn.

“Các đơn vị, chủ thể sản xuất OCOP tại địa phương mới chỉ đang bước đầu tiếp cận thị trường này, rất cần doanh nghiệp du lịch hỗ trợ kết nối điểm trưng bày, hỗ trợ lựa chọn sản phẩm “made in Hội An” cho bộ quà tặng lưu niệm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cần phía doanh nghiệp du lịch chia sẻ về nhu cầu sản phẩm hoặc nếu được thì đặt hàng để các đơn vị sản xuất theo đơn” - bà Yến nói.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Tổng quản lý Công viên Ấn tượng Hội An thông tin, thời gian qua đơn vị đã dành không gian để trưng bày các sản phẩm OCOP địa phương quảng bá đến du khách. Qua thực tế, du khách rất chuộng hàng lưu niệm mang tính đặc thù địa phương, nhỏ gọn, giá cả phải chăng. Do đó các chủ thể OCOP cần xác định thị trường mục tiêu của sản phẩm mình. Nếu thấy phù hợp và mong muốn tiến vào thị trường du lịch thì đơn vị luôn sẵn sàng mở rộng hợp tác ở lĩnh vực này.

Chưa có điểm nhìn chung

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp du lịch cùng chung nhận định sản phẩm OCOP ở Hội An còn phải học hỏi rất nhiều chiến lược phát triển xây dựng thương hiệu. Bà Trịnh Diễm Vy - Giám đốc Công ty TNHH tổ chức sự kiện Hội An cho rằng, không cần phải phát triển quá nhiều sản phẩm OCOP mà cần hoạch định sản phẩm đặc trưng theo vùng miền, có quỹ đất để duy trì vùng nguyên liệu ổn định và kiên trì theo đuổi ý tưởng thì mới có thể chinh phục được thị trường du lịch.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, để OCOP tiếp cận được thị trường du lịch cần tìm giải pháp phân tích thúc đẩy thị trường, bởi từ đòn bẩy du lịch sản phẩm OCOP Quảng Nam hoàn toàn có thể lan tỏa ra thế giới.

“Sản phẩm OCOP cần địa phương chuyển từ lượng sang chất, chất ở đây là giá trị văn hóa, giá trị nền tảng bản địa mà chúng ta đang có. Nhiều doanh nghiệp có thể rất muốn đưa sản phẩm OCOP vào khách sạn nhưng thực sự là đến giờ không có sự kết nối nào và chưa có điểm nhìn chung giữa các chủ thể. Nếu sản phẩm OCOP phát triển đủ chiều sâu thì một số doanh nghiệp du lịch có thể đứng ra bảo trợ” - ông Thanh nhận định.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, tại Hội An có một số vùng nguyên liệu, loài thực vật rất đặc hữu nhưng chưa khai thác hiệu quả giá trị, gắn với du lịch như rong đầm Trà Quế, bắp nếp, quật cảnh… Nếu có một vùng nguyên liệu ổn và cộng đồng đồng lòng tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị để hình thành các sản phẩm thì mới có chỗ đứng ở thị trường du lịch.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tích cực làm kênh trung gian để sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường du lịch nhưng các chủ thể sản xuất cũng cần nhìn lại những điều chưa ổn để điều chỉnh cho phù hợp với thị trường du lịch.

Tác giả bài viết: Quốc Tuấn

Nguồn tin: Báo Quảng Nam